Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Những nút thắt cần tháo gỡ

16:44, 19/02/2018

Ngày 5-7-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2018 về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, trên thực tế việc tái cơ cấu đã được ngành Nông nghiệp triển khai từ năm 2014. Sau gần 4 năm, tuy đã có những chuyển biến tích cực song việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc nhằm tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, đẩy mạnh việc quản lý giống vật nuôi, cây trồng... Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, riêng năm 2017, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 23,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nội đồng; mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ chi phí chứng nhận VietGAP đối với cây trồng, vật nuôi; xây dựng các vùng sản xuất lúa, rau tập trung... Ngoài ra, để tái cơ cấu đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp cũng đã tích cực phối hợp với các địa phương hỗ trợ tập huấn cho nông dân về công tác khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp...

Sau gần 4 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt được coi là bước đột phá. Nếu như năm 2014, sản lượng lương thực của tỉnh chỉ đạt 383 nghìn tấn thì năm 2017 đã tăng lên 462 nghìn tấn. Đối với cây chè - cây trồng mũi nhọn của tỉnh, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống chè lai vào thay thế các giống chè trung du truyền thống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nên năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây chè ngày càng được nâng cao. Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh đạt 21.585ha, trong đó, diện tích chè lai chiếm 67,5%... Năm 2017, sản lượng chè búp tươi đạt gần 224 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 31 nghìn tấn so với năm 2014. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng chè đạt 120 triệu đồng/năm, tăng 29 triệu đồng/ha so với năm 2014. Bà Vũ Thị Loan, xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) cho biết: Năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ cây chè giống nên gia đình tôi đã phá bỏ 0,5ha chè trung du để thay thế bằng giống chè lai LDP1. Hiện nay, mỗi lứa gia đình tôi thu được gần 1,5 tạ chè khô, cao gấp gần 1,5 lần so với trước đây. Với giá bán từ 250.000-280.000 đồng/kg, gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó cuộc sống gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn.

Đối với ngành Chăn nuôi cũng đã từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi cũng được chú trọng đẩy mạnh, tập trung vào các con giống cho năng suất, sản lượng cao. Hiện, toàn tỉnh có 752 trang trại chăn nuôi tập trung, tăng gần 200 trang trại so với năm 2014. Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá bán thịt lợn hơi thấp nhưng tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh vẫn đạt 141.000 tấn; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 5.494 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng so với năm 2014. Về lĩnh vực thủy sản, những năm gần đây, các hộ chăn nuôi đã tích cực mở rộng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bằng các giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Cá chép lai, cá tầm, cá trê, cá chim, cá rô phi đơn tính, ba ba, lươn, ếch... Hiện toàn tỉnh có trên 6.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng 1.200ha so với năm 2014. Sản lượng thủy sản năm 2017 ước đạt 10.600 tấn, tăng 3.500 tấn so với năm 2014.

Mặc dù đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp nhưng theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn chậm; sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là nguyên liệu sơ chế, tỷ lệ chế biến công nghiệp thấp; chưa có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp từ rau, củ, quả, gạo, gia súc, gia cầm... của nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn chỉ tiêu thụ ngay tại địa phương mà chưa thực sự trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa. Ông Nguyễn Chu Việt, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Toàn xã có trên 500ha đất trồng rau, trong đó, có 40ha trồng rau chuyên canh. Tuy nhiên, sản phẩm rau xanh của người dân chủ yếu chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh chứ chưa bao giờ bán được ra tỉnh ngoài hoặc xuất khẩu.

Thêm vào đó, diện tích đất nông, lâm nghiệp của tỉnh chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên, nhưng quy mô ruộng đất còn nhỏ lẻ, manh mún khiến cho việc hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh gặp nhiều khó khăn; hạn chế việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Ngoài ra, dù chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào khu vực nông thôn khá hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nên nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với lĩnh vực này.

Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, tỉnh nên ban hanh chính sách khuyến khích việc dồn điền đổi thửa, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng tăng cường liên kết giữa các thành phần kinh tế nhằm nâng quy mô sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với từng sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực; tích cực thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; triển khai hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho nông dân, gắn đào tạo nghề với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp...