Vì mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

08:46, 14/02/2018

Nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp là mục tiêu mà tỉnh Thái Nguyên luôn hướng tới. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp của tỉnh năm sau cao luôn hơn năm trước. Riêng năm 2017, giá trị này đạt 91,4 triệu đồng/ha, tăng hơn 10 triệu đồng/ha so với 2, 3 năm trước; vượt 0,4% kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Tá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đạt được kết quả này là do tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất trồng trọt cho nông dân.

Một trong những hỗ trợ phù hợp nhất là chính sách hỗ trợ giá giống cấy trồng cho bà con. Riêng năm 2017, tỉnh hỗ trợ 30.000 đồng/sào lúa lai, ngô lai, lúa thuần chất lượng cao; 50% giá giống 1 hom chè cành; 400.000 đồng/sào khoai tây… (đối với các giống nằm trong cơ cấu hỗ trợ của tỉnh). Vụ xuân năm nay, chính sách hỗ trợ giá lúa lai, ngô lai, lúa thuần chất lượng cao vẫn được giữ nguyên. Bà Lê Thị Vèn, xóm Ngò, xã Tân Thanh (Phú Bình) chia sẻ: Việc hỗ trợ giá giống đã giúp nông dân chúng tôi có điều kiện chuyển từ cây giống trồng năng suất thấp sang trồng các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn.

Bên cạnh hỗ trợ giá giống, tỉnh còn đầu tư kinh phí cho các địa phương xây dựng kênh mương, đường nội đồng và hình thành các vùng sản xuất tập trung; khuyến khích được người dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Năm 2017, tỉnh đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để xây dựng các vùng sản xuất lúa, rau, chè tập trung. Về việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hiệu quả rõ nét nhất là với cây lúa. Hơn 5 năm nay, nông dân trong tỉnh đã tập trung cấy trà lúa xuân muộn (hằng năm trà xuân muộn chiếm tới 98%) để tránh rét cho mạ; cấy trà mùa sớm để sớm giải phóng đất phục vụ trồng rau màu vụ đông. Bà Hà Thị Kiều, xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho biết: Gia đình tôi có 3 sào ruộng cấy lúa. Trước đây, chúng tôi bỏ hoang đất trong vụ đông nên mỗi năm chỉ thu hơn 1 tấn thóc. Từ khi cấy trà xuân muộn, mùa sớm và trồng cây ngô vụ đồng, mỗi năm tôi thu được thêm khoảng 5, 6 tạ ngô phục vụ chăn nuôi nên thu nhập của gia đình tăng đáng kể.

Không dừng lại ở đó, tỉnh còn tạo điều kiện để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua việc chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm. Năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được khoảng 130ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu… mang lại nguồn thu nhập cao gấp 3, 4 lần so với trước đây. Bà Phạm Thị Tĩnh, xóm Hiên Minh, xã La Hiên (Võ Nhai) cho biết: Gia đình có 1 mẫu ruộng cấy lúa một vụ. Khoảng 3, 4 năm nước, gia đình đã xin chuyển đổi sang trồng na. Đến nay, na đã cho thu hoạch. Vụ vừa qua, gia đình thu khoảng 250 triệu đồng.

Cùng với sự khuyến khích, tạo điều kiện của các cấp, ngành chức năng của tỉnh, người dân cũng đã mạnh dạn trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Đặc biệt, bà con luôn tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình sản xuất trồng trọt. Anh Lê Văn Tình, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng (Phú Lương) nói: Ngoài việc chủ động đưa các loại giống mới  như lúa lai B-TE1, TH3-3, TH3-4; ngô lai LVN4, CP111… vào sản xuất, nhiều hộ dân trong xóm đã mạnh dạn đầu hơn chục triệu đồng mua máy làm đất về sử dụng giúp cho việc làm đất được kỹ hơn, giảm công lao động.

Mặc dù đã được những kết quả nêu trên nhưng những năm trở lại đây, việc nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên một diện tích đất nông nghiệp của Thái Nguyên vẫn đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp dần, thiếu lực lượng lao động trẻ do bị cạnh tranh bởi các lĩnh vực phi nông nghiệp, nhất là quá trình thu hút lao động của các Công ty, nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên cùng một đơn vị diện tích đất nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị thu được từ sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất nông sản sạch chính là một hướng đi phù hợp để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, hiện nay, Thái Nguyên chưa có nhiều trang trại sản xuất nông sản sạch. Và đây cũng chính là một trong những hạn chế trong việc nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên cùng một đơn vị diện tích đất nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay.

Do đó, để tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích đất nông nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực, thì sự phối hợp chặt giữa ngành Nông nghiệp và các địa phương, đơn vị có liên quan để hướng dẫn nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích là điều rất cần thiết. Cùng với đó là việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển mô hình cánh đồng lớn và các mô hình sản xuất tập trung gắn với hợp đồng bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp. Tăng cường tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình khuyến nông có sức lan tỏa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…