Nhắc đến Yên Trạch, nhiều người đã một lần đến nghĩ ngay tới xã nghèo đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương, số hộ nghèo có thời điểm lên tới hơn 50%, với rất nhiều những thiếu thốn trong đời sống dân sinh. Nay trở lại, chúng tôi cảm nhận mọi thứ đã có nhiều đổi khác, vùng quê nghèo đang cựa mình bứt phá bằng chính nội lực.
Một thời, Yên Trạch đã từng trù phú, xanh tươi bởi những cánh rừng tự nhiên, nhưng trước sự mưu sinh thường nhật khiến rừng bị tàn phá đến kiệt quệ. “Miệng ăn núi lở”, rừng có đại ngàn cũng không đủ sức nuôi sống gần 7.000 người, nhiều gia đình lâm vào cảnh đói đứt bữa, số hộ nghèo ngày một tăng cao, năm 2010, toàn xã có già nửa số hộ nghèo phải trông đợi vào các chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước. Hơn 7 năm trôi qua, khoảng thời gian không ngắn, cũng không dài nhưng đủ để tạo lên một diện mạo mới cho vùng quê “nổi tiếng” bởi những cái nhất: khó khăn nhất; nghèo nhất; trẻ em suy dinh dưỡng, thất học cao nhất; cơ sở vật chất thiếu thốn nhất…, trở thành một xã có mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Một trong những nguyên nhân chính được xác định đó là nhờ vào sự lãnh đạo của một tập thể cán bộ, đảng viên đoàn kết, đầu tàu, gương mẫu trong việc thay đổi tư duy lạc hậu, tích cực tiếp thu những cái mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thay bằng việc phá rừng, chỉ biết sống dựa vào rừng, xã Yên Trạch đã tuyên truyền, vận đồng bà con trồng rừng sản xuất và coi kinh tế đồi rừng là một trong những thế mạnh của địa phương. Để lấy ngắn nuôi dài, trong qúa trình chờ cây rừng sinh trưởng, phát triển, bà con đầu tư chăn nuôi dê, bò, trâu, lợn, gà và tận dụng nguồn nước và những ao, chuôm sẵn có để nuôi thả cá thịt.
Để bà con tin và làm theo, gần 300 đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ phải là những người tiên phong làm trước. Sau vài năm, những diện tích rừng tự nhiên còn sót lại đã được khoanh nuôi, bảo vệ; hơn 1.500ha đất trống đồi núi trọc được phủ kín bằng cây keo và các loại cây lâm nghiệp khác; nhiều gia đình đã được khai thác gỗ cho hiệu qủa kinh tế cao, tiếp tục tích cực trồng rừng thay thế nên kế hoạch trồng rừng của xã luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Chỉ tính riêng năm 2017, xã đã trồng mới hơn 100ha rừng, đạt 115% kế hoạch. Ông Nguyễn Công Đảm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Sau những khó khăn, thách thức, chúng tôi xác định, xã muốn phát triển không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mà phải biết phát huy nội lực để vươn lên, biết tận dụng, khai thác những tiềm năng sẵn có như đất đai, nguồn nước để phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, định hướng là như vậy nhưng thay đổi tư duy, tập quán canh rác của người dân là cả một vấn đề cũng không đơn giản vì phần lớn số dân là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, cư trú không tập trung. Để tháo gỡ khó khan này, chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đi đôi với việc đảng viên làm trước để bà con thấy được hiệu quả sẽ làm theo.
Cùng với đó, Đảng bộ cũng ra những nghị quyết chuyên đề để có đường hướng tháo gỡ những vấn đề nổi cộm ở địa phương, điển hình như nghị quyết chuyên đề về quản lý, sử dụng quỹ đất công. Nhờ có nghị quyết này chúng tôi đã khắc phục và hạn chế tối đa những vụ việc tranh chấp đất đai, chấm dứt việc sử dụng đất sai quy định… Năm 2017 có thể coi là năm có bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của xã vì có rất nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 111 tỷ đồng, bằng 108% kế hoạch; thu ngân sách xã đạt 6.750 triệu đồng, bằng 143,87% kế hoạch; số hộ nghèo còn hơn 28% (giảm 111 hộ, bằng 6,58% so với năm 2016, đạt cao nhất từ trước tới nay)…
Để cảm nhận rõ nét hơn sự đổi thay của Yên Trạch, chúng tôi cho xe chạy một vòng qua các xóm Na Pháng, Bản Cái, Na Hiên, Bản Héo, Na Mẩy… Cảnh sắc thanh bình, xanh tươi bởi cây rừng, cây chè, của lúa non đang thì đơm bông. Nhiều nhà kiên cố, nhà cao tầng đã thay thế nha tranh vách đất. Nhiều đoạn đường lầy lội trước kia giờ đã được mở rộng, đổ bê tông. Hơn 90% số hộ đã được sử dụng điện lưới Quốc gia. Ven đường trục chính của xã nhiều quầy quán, dịch vụ, cơ sở chế biến lâm sản… mọc lên, người, xe ra vào khá nhộn nhịp. Dừng chân tại cơ sở chế biến gỗ của gia đình anh Nguyễn Thành Luyến, xóm Bản Héo, dù đang rất bận rộn nhưng anh vẫn vui vể tạm dừng công việc tiếp đón chúng tôi. Anh Luyến cho biết: “Gia đình tôi đã thoát nghèo nhờ trồng rừng và có nghề chế biến gỗ. Tôi tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động ở địa phương. Xóm Bản Héo có khoảng 5-6 cơ sở chế biến gỗ làm ăn phát đạt”.
Không chỉ ở Bản Héo, mới có nhiều cơ sở chế biến gỗ mà hiện nay toàn xã đã có hơn 30 cơ sở, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động. Kinh tế đồi rừng đã thực sự trở thành cứu cánh cho người dân Yên Trạch thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.Xóm Na Pháng cũng là một trong những xóm có nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng rừng và chăn nuôi thủy sản. Anh Nguyễn Trong Luyến, Bí thư Chi bộ xóm Na Pháng cho biết: Trước kia, số hộ nghèo trong xóm cũng chiếm quá nửa, vì người dân chỉ biết sống dựa vào những gì sẵn có của rừng như hái măng, chặt gỗ, săn, bắt chim, thú… Nay, phần lớn các hộ đã trồng rừng, trồng chè, nuôi cá, trâu, bò… nên đời sống đã khấm khá hơn trước, số hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 20%. Có được kết quả đó là nhờ 19 đảng viên trong Chi bộ là những người nhiệt tình trong việc vận động, tuyên truyền người dân thay đổi tư duy lạc hậu, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời các đảng viên gương mẫu làm trước để bà con noi theo.
Ở đâu có các đảng viên miệng nói tay làm tất yếu ở đó có sự phát triển. Đành rằng Yên Trạch chưa hẳn đã hết những khó khăn, xã mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới; vẫn thiếu phòng học mầm non; một số xóm xa trung tâm chưa có điện lưới, đường sá đi lại khó khăn… Song với sự cố gắng, nỗ lực vươn lên bằng nội lực để đat những kết quả bước đầu đã cho thấy sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã. Họ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động vươn lên.