Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi ở Thái Nguyên nghe có vẻ xa với nhưng trên thực tế, đã được các hộ dân, chủ các trang trại áp dụng từ nhiều năm nay. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất con giống; chăn nuôi theo chuỗi… Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi được thể hiện rõ nét nhất tại Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh (có trụ sở nằm trên địa bàn xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ). Trung bình, mỗi năm, Trung tâm này nuôi giữ 230 con lợn nái giống ông, bà; sản xuất trên 1.100 lợn giống hậu bị. Đàn lợn đực giống "ông, bà" của Trung tâm hiện có 70 con, trong đó có trên 60 con đang khai thác và sản xuất tinh giống. Đến nay, số lợn đực giống này đã sản xuất được trên 15.000 liều tinh trùng cung cấp cho người chăn nuôi trong, ngoài tỉnh. Hiện, đơn vị này đang nuôi 15 con bò giống Zebu ông, bà, mỗi năm sinh sản được 10 bê giống. Ứng dụng các kỹ thuật cao, công nghệ cao trong sản xuất con giống nên từ lâu, Trung tâm đã trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều chủ trang trại, gia trại chăn nuôi tìm đến đặt hàng.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi như con giống, thiết bị, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường… cũng đã được 752 trang trại chăn nuôi của tỉnh tiếp cận. Ngoài ra, tỉnh còn có một số mô hình điển hình về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như: chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất giống cao sản, chuồng lạnh, tự động hóa chăm sóc, nuôi dưỡng; chăn nuôi lợn áp dụng chọn giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống… được áp dụng tại một số trang trại tập trung tại các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phổ Yên… Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi sẽ giúp cải thiện năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị thu được từ chăn nuôi.
Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ dừng ở mức manh nha. Các trang trại chăn nuôi mới ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao với tỷ lệ nhỏ, chưa phổ cập do chi phí đầu tư lớn. Mặc khác, trình độ chuyên môn của người chăn nuôi thấp, sự gắn kết giữa các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bị cắt khúc... cũng gây khó khăn cho việc phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Việc chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch, phát triển tự phát cũng đang là một rào cản để người chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm là "chìa khóa" mở ra hướng đi bền vững cho ngành Chăn nuôi của tỉnh. Do đó, để thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, tỉnh cần nhanh chóng hình thành khu chăn nuôi sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Đồng thời, phát triển chăn nuôi gắn quy hoạch, đi sâu chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và liên kết chuỗi, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi con giống chất lượng cao, lai tạo giống bản địa, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao kể cả quy mô vừa và nhỏ. Đặc biệt, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết lớn; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao.
Trước mắt, tỉnh ta cần tiếp tục đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch gắn nghiên cứu thị trường, từng bước hạn chế chăn nuôi theo phong trào, tự phát; chú trọng việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi, trong giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi; xây dựng cơ chế chính sách về quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác cho các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao trên cơ sở Nhà nước đồng hành doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Với vai trò quản lý, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục làm cầu nối để doanh nghiệp, người chăn nuôi và cơ sở tín dụng gặp gỡ, phát huy hiệu quả nguồn vốn trong đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người chăn nuôi, nhất là các giải pháp kỹ thuật về ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong công tác giống, thức ăn, quản lý, liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất; sử dụng các trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi như hệ thống chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống nước tự động, hệ thống xử lý môi trường, các chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi để tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, một hộ chăn nuôi lợn lâu năm ở xã Tân Linh (Đại Từ), khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chúng tôi rất cần có sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Bởi vậy, cùng với việc tổ chức, đào tạo, triển khai các mô hình, dự án, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc đưa mạng lưới cán bộ khuyến nông xuống cơ sở, trực tiếp hỗ trợ nông dân...