Chia sẻ báo cáo khảo sát sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật

13:49, 27/04/2018

Ngày 27-4, UBND huyện Phú Lương phối hợp với Trung tâm phát triển Nông thôn bền vững (SRD), Mạng lưới hành động về hóa chất trừ sâu, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Pan-Ap), Trung tâm nghiên cứu giới - gia đình và môi trường (CGFED) tổ chức Hội thảo "Chia sẻ báo cáo khảo sát sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật dựa vào cộng đồng (CPAM) tại Thái Nguyên và Nam Định; tìm kiếm giải pháp để nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái tại huyện Phú Lương".

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung sau: Thực trạng sử dụng hóa chất diệt cỏ và hóa chất trừ sâu độc tố cao tại Thái Nguyên nói chung, huyện Phú Lương nói riêng; Quan điểm và những chương trình chính sách cụ thể của UBND huyện Phú Lương trong việc giải quyết vấn đề sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, cũng như từng bước hỗ trợ người dân làm nông nghiệp sạch; sự hợp tác với SRD của UBND huyện trong việc thực thi các dự án hướng đến giải quyết vấn đề sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật; những kết quả, tác động tích cực mà huyện Phú Lương và SRD đã đạt được cho đến nay; Kế hoạch ưu tiên sắp tới, cũng như chính sách lâu dài của UBND huyện nhằm mở rộng và tiếp tục đi theo hướng nông nghiệp sạch. Ngoài ra, các đại biểu còn nghe báo cáo tham luận về sản xuất nông nghiệp sạch của một số làng nghề, hộ trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện.

Được biết, hơn 3 năm qua, SRD đã cùng với UBND huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đưa ra nhiều hoạt động: tạo vùng sinh thái xung quanh trường học; sản xuất lúa theo phương pháp thâm canh cải tiến (SRI); tổ chức các chiến dịch nói không với thuốc trừ sâu cho trường học; tập huấn cho nông dân chủ chốt, cán bộ khuyến nông, cán bộ xã về thu thập và quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Hội thảo lần này nhằm vận động việc hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, đặc biệt là hóa chất độc hại đã bị cấm trên thế giới. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm nông sản sạch của các làng nghề, hộ trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn.