Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, có lúc lên tới trên 60%, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt…, Minh Tiến (Đại Từ) đã từng bước đẩy lùi đói, nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Trò chuyện với đồng chí Hoàng Văn Tiệm, Bí thư Đảng ủy xã, ông cho hay: Minh Tiến nghèo cũng bởi nằm cách xa trung tâm huyện, đất đai chủ yếu là đồi núi nhấp nhô, không có đồng rộng bằng phẳng, diện tích canh tác ít, chỉ có những rải ruộng bậc thang nhỏ hẹp xen kẽ giữa núi, đồi. Thêm vào đó, trình độ dân trí thấp, chưa biết đầu tư làm ăn. Nhận thức được điều này, những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để bà con thay đổi tập tục canh tác lạc hậu mà đầu tư sản xuất. Đồng thời, xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, tư vấn cho bà con lựa chọn các giống cây, con đưa vào sản xuất.
Với đặc điểm đất đai ở địa phương, diện tích đồi núi chiếm tới 75%, với 1.160ha rừng phòng hộ và gần 900ha rừng sản xuất, xã thực hiện chính sách giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho người dân, gắn lợi ích của bà con với việc trồng rừng, bên cạnh đó tuyên truyền vận động nhân dân trồng rừng. Đối với những khu đồi thấp, nông dân trong xã đã mạnh dạn đưa giống chè giâm cành vào trồng. Hiện toàn xã có trên 200ha chè, trong đó có 112ha là chè giống mới, chiếm 55%. Cây chè được trồng tập trung ở những xóm: Hòa Tiến 1, 3, 4, Minh Hòa, với tổng diện tích chè toàn xã là 203ha. Ông Vũ Mạnh Tuấn, Trưởng xóm Hòa Tiến 1 cho biết: Nhờ thay đổi cơ cấu giống chè, đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến, năng suất, chất lượng chè ở đây không thua kém các xã khác trên địa bàn. Hiện, bình quân đạt 1-1 tạ/ha, giá bán tại địa phương dao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg. Năm 2017, sản lượng chè búp tươi đạt 1.820 tấn.
Hiện nay, những mô hình kinh tế đem lại trên 100 triệu đồng mỗi năm không còn là hiếm ở Minh Tiến. Bên cạnh trồng trọt các loại cây trồng có giá trị như: chè, rừng, cây ăn quả… thì bà con ở đây còn mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Với đặc thù đồi núi, những con vật được bà con chăn nuôi nhiều nhất là: lợn, dê, trâu, gia cầm và thủy sản. Hiện, toàn xã có 5 gia trại chăn nuôi lợn, 1 nuôi dê, 11ha nuôi thủy sản. Qua đó, đời sống của người dân Minh Tiến đã dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhiều. Hiện xã còn 26%, giảm 4,44% so với năm 2016. Mặc dù so với các xã khác, tỷ lệ này vẫn còn cao, nhưng nếu so sánh với đời sống của bà con trong xã cách đây vài năm thì giờ đây, người dân ở đây đã có cuộc sống khá hơn rất nhiều.
Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra bước phát triển kinh tế nhanh, mạnh, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đến nay, xã đã xác định được hướng đi trong phát triển kinh tế, đó là: Tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng có sẵn ở địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển chè, chăn nuôi theo hướng tập trung. Tuy nhiên, việc thực hiện các bước trong hướng đi đó thì vẫn còn nhiều gian nan, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và từng người dân phải nỗ lực nhiều. Nhằm hỗ trợ người dân vươn lên phát triển kinh tế, hiện xã đã phân công cho mỗi tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ 1 mô hình kinh tế tập trung. Đồng thời, thực hiện quy hoạch vùng trồng chè tập trung, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi những diện tích trồng màu kém hiệu quả, đất khe rạch… sang trồng chè nhằm mở rộng diện tích chè của xã. Hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân trong sản xuất, thu hút các mô hình kinh tế mới triển khai tại địa phương như: Mô hình trồng cây dược liệu, rau an toàn… Phấn đấu năm 2018, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16%, hộ cận nghèo còn khoảng 21%.