Góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương

10:11, 19/04/2018

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 210 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (tăng 65 HTX so với năm 2012). Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, phần lớn các HTX có sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần tạo công ăn việc làm cho các thành viên và người lao động.

Nhiều HTX đã vươn lên tổ chức sản xuất kinh doanh tốt, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Bước đầu đã xuất hiện một số mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả cao, thực hiện tốt một số dịch vụ cung ứng cho thành viên như: cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, một số HTX còn thực hiện tổng hợp cả dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Các HTX tiêu biểu có thể kể đến như: HTX Chăn nuôi, trồng trọt Đông Thịnh (Phú Bình), HTX Chè La Bằng (Đại Từ), HTX Dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ (Phú Lương)…

Trong số các HTX nông nghiệp thì HTX chè có số lượng nhiều hơn cả bởi đó là sản phẩm thế mạnh của địa phương và có điều kiện để phát triển ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê chưa đầy đủ thì toàn tỉnh hiện có gần 100 HTX sản xuất, chế biến cũng như hoạt động thương mại, kinh doanh chè. Được thành lập từ năm 2011, đến nay, HTX Chè Nguyên Việt, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã phát triển lên 20 thành viên. Sản phẩm của HTX được sản xuất từ vùng nguyên liệu 15ha ở Trại Cài, trong đó 10ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bà Uông Thị Lan, Giám đốc HTX cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tuy có những thời điểm gặp rất nhiều khó khăn nhưng HTX vẫn luôn giữ vững chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu. Toàn bộ diện tích chè nguyên liệu đều được các gia đình thành viên HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, HTX còn chủ động đứng ra cung ứng phân bón, vật tư, phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè cho các thành viên, đặc biệt là về quy trình, cách thức chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX đã từng bước xây dựng được thương hiệu và tìm được chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm chè của HTX trên thị trường. Năm 2017, doanh thu của HTX đạt gần 4 tỷ đồng; thu nhập bình quân của các thành viên đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt là những lợi ích mà chị Nguyễn Thị Hương, thành viên HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) nhận thấy khi tham gia vào HTX: Tôi và các thành viên có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, sản phẩm làm ra bán cho HTX theo giá thỏa thuận. Với 5.000m2 trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi lứa, tôi thu được khoảng 3 tạ chè búp khô, giá bán trung bình từ 200.000-250.000 đồng/kg. Trong khi đó, khi chưa tham gia vào HTX, gia đình tôi phải tự lo bươn trải từ việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, rồi tìm người mua chè. Có những năm thời tiết thuận lợi, chè được mùa thì mất giá. Ngược lại, có năm được giá thì lại mất mùa, chè bán ra với giá chỉ từ 100.000-150.000 đồng/kg.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Huy Nhỡn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Không chỉ có chè mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX ngày càng có giá trị kinh tế cao hơn trước bởi đã biết khai thác thế mạnh sẵn có của địa phương, chú trọng đầu tư sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại… Nhờ đó, giá trị nông sản được nâng cao và góp phần hạn chế tình trạng ép giá, lệ thuộc vào tư thương. Đặc biệt khi tham gia vào HTX, kinh tế hộ sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, các thành viên cùng hợp tác, liên kết thành chuỗi sản xuất hàng hóa, qua đó tạo giá trị gia tăng.

Một trong những HTX nông nghiệp đi đầu trong phát triển kinh tế tập thể phải kể đến HTX sản xuất, chế biến và dịch vụ tiêu thụ chè Tân Hương (gọi tắt là HTX Chè Tân Hương). Nắm bắt được xu thế phát triển của thị trường, Ban Quản trị HTX đã mạnh dạn chuyển đổi, nâng cao kỹ thuật từ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP sang tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified. Qua 7 năm liên tục thực hiện quy trình này, đến nay, HTX đã góp phần thay đổi thói quen, tư duy sản xuất cho nhiều hộ dân và giúp họ nhận ra hiệu quả của sản xuất chè an toàn. Hay như HTX Rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cũng đã thực hiện sản xuất quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 20ha.

Ngoài ra, để đưa nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng, hiện nay, rất nhiều HTX đã xây dựng các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của chính HTX như: HTX Miến Việt Cường, HTX chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ); HTX Dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt Phấn Mễ (Phú Lương)… Chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2017, Cửa hàng giới thiệu snar phẩm của HTX Thanh niên Tân Linh (Đại Từ) hiện bày bán rất nhiều sản phẩm chế biến từ thịt thỏ. Anh Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc HTX cho biết: Khi mới đi vào hoạt động, chúng tôi chủ yếu là bán thỏ thịt, với giá trung bình là 60.000-65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, để sản phẩm chăn nuôi đến được gần hơn với người tiêu dùng thì cần thiết đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, do vậy, năm 2017, HTX đã cho ra đời 1 số sản phẩm chế biến từ thịt thỏ, như: thỏ rang muối, giò, xúc xích…, giá bán vì thế cũng cao hơn so với bán thỏ sống, đạt từ 200.000-240.000 đồng/kg.

Có thể thấy rằng, HTX nông nghiệp hiện chiếm số lượng chủ yếu trong số các HTX đang hoạt động và phát triển rộng rãi ở tất cả các địa phương trong tỉnh, ngày càng chứng minh được vai trò với các thành viên. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn không ít những HTX hoạt động không hiệu quả do chậm đổi mới phương thức hoạt động, khó khăn về vốn đầu tư, mang nặng tính hình thức… Trong khi đó, việc phát triển các HTX nông nghiệp được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển. Do vậy, thời gian tới, nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, cần thiết cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng, đặc biệt là vấn đề về vốn, nhân lực và trang bị kỹ thuật cho các HTX.