Hỗ trợ hội viên vươn lên trong cuộc sống

10:23, 24/04/2018

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Phú Lương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các hội viên và bà con nông dân phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Ông Hoàng Văn Chiến, hội viên Chi hội Nông dân xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương) chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Với số vốn này cùng với tiền vay của anh em, họ hàng, vợ chồng tôi đã mua 5 thùng ong mật để nuôi, xây dựng giàn trồng hoa lan và trồng hơn 6 sào keo. Hiện nay, vườn keo đang phát triển tốt. Còn việc nuôi ong mật thì gia đình đã phát triển được trên 20 thùng, cho thu hoạch hơn 30 lít mật/tháng, với giá bán 150.000 đồng/lít đem lại nguồn thu khoảng 5 triệu đồng. Cùng với đó, vợ chồng tôi cũng có nguồn thu gần 10 triệu đồng/tháng từ giàn hoa lan. Có thể nói, trong lúc gặp khó khăn về vốn, khoản tiền được vay từ NHCSXH đã tiếp thêm nguồn lực quan trọng để vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu...

Gia đình ông Chiến là một trong số hàng nghìn hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương đã nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống. Được biết, hiện nay Hội Nông dân huyện có trên 16 nghìn hội viên, tham gia sinh hoạt tại 255 chi hội. Trong đó, một bộ phận không nhỏ hội viên có điều kiện kinh tế còn khó khăn, thiếu nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với NHCSXH tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Tính đến nay, Hội đang quản lý 114 tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV) với 12 chương trình tín dụng cho trên 4.000 hộ vay, tổng dư nợ gần 148 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội cũng thực hiện thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nöng nghiệp và PTNT cho trên 2.000 hộ hội viên vay vốn thông qua các tổ liên kết với tổng dư nợ trên 223 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hội viên được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng dư nợ trên 2,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Phúc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết: Để giúp nhân dân tiếp cận các nguồn vốn, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện phổ biến và thông tin kịp thời các chính sách tín dụng mới đến cán bộ, hội viên trong Hội. Cùng với đó, Hội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát, đánh giá hoạt động ở các tổ TK-VV để kịp thời chấn chỉnh hoặc thay thế, kiện toàn lại tổ trưởng và ban quản lý tổ TK-VV. Hội cũng chỉ đạo các tổ TK-VV làm tốt công tác bình xét cho vay đúng đối tượng. Đồng thời, Hội còn thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ TK-VV.

Cùng với hoạt động hỗ trợ vay vốn, Hội Nông dân huyện Phú Lương còn đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình điểm, hội thảo đầu bờ... Chỉ tính riêng năm 2017, Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được 69 buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật gieo cấy vụ xuân, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng chè giống mới tổng số 5.000 lượt hội viên. Hội còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Việt Bắc mở 11 lớp dạy nghề cho 506 học viên về sản xuất và chế biến chè. Hội cũng đã xây dựng mới 8 mô hình kinh tế tập thể, như: mô hình trồng rừng ở xã Yên Ninh; mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp ở xã Động Đạt; mô hình nuôi cá tập thể ở xã Phấn Mễ; mô hình chăn nuôi thủy sản ở xã Ôn Lương...

Song song với đó, Hội cũng đã thành lập mới 11 mô hình tổng hợp về dịch vụ tư vấn, cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp. Điển hình như mô hình "Tổ tư vấn miễn phí kỹ thuật chăn nuôi thú y, con giống" tại Chi hội Nông dân Thâm Găng (Tức Tranh) và Liên Hồng 5 (Vô Tranh); mô hình "Dịch vụ tư vấn nuôi ong lấy mật" tại xã Động Đạt; mô hình tư vấn về kỹ thuật, cung ứng giống dê tại xóm Vu 1 (Phú Đô); mô hình cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm tại Hội Nông dân xã Cổ Lũng... Tại các mô hình, hơn 2.700 lượt người đã được tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, con giống...

Khöng chỉ có vậy, trong năm 2017, Hội Nông dân huyện còn chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn giúp đỡ được 175 hộ hội viên nông dân thoát nghèo có địa chỉ. Ông Bạch Đình Thi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt cho biết: Năm 2017, Hội Nông dân xã đã giúp đỡ được 5 hộ thoát nghèo. Các hộ này chủ yếu là neo đơn, thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật, ít đất canh tác. Do vậy, để giúp các hộ thoát nghèo, chúng tôi đã xuống tận hộ để tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng hộ. Sau đó, chúng tôi đã giúp đỡ các hộ với nhiều hình thức khác nhau, như: Huy động ngày công lao động; giúp đỡ tiếp cận vay vốn; tư vấn và hướng dẫn thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện của từng hộ; mời tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ được sử dụng phân bón theo hình thức chậm trả.

Có thể nói, từ những sự hỗ trợ kịp thời như trên, nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo đã có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.