Bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, góp phần bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là phát huy được nguồn nhân lực tại địa phương trong thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Đó là kết quả nổi bật trong hoạt động của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng những năm qua.
Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng được giao quản lý gần 20 nghìn ha rừng đặc dụng, phân bố trên địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Võ Nhai, gồm: Thượng Nung, Cúc Đường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa, Phú Thượng và thị trấn Đình Cả. Do đặc điểm địa hình đồi núi hiểm trở, lại giáp ranh với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, với hàng nghìn hộ dân sống trong vùng lõi nên công tác bảo vệ, phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, để bảo vệ được diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn các hiện tượng khai thác, chặt phá, lấn chiếm rừng cũng như xây dựng, phát triển rừng đặc dụng bền vững, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã từng bước giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng người dân vùng đệm để nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, thị trấn tổ chức họp các cộng đồng tham gia nhận khoán phổ biến rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan. Cùng với đó, hướng dẫn cộng đồng thành lập các nhóm hộ, tổ bảo vệ rừng thôn xóm, xây dựng kế hoạch tuần tra hàng tuần, tháng và tổ chức thực hiện có sự giám sát của kiểm lâm phụ trách địa bàn.
Ông Đinh Xuân Hữu, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Kim Sơn, xã Thần Sa cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng; thông tin các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ gia đình, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán.
Được biết, từ năm 2015, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã tiến hành giao khoán trên 8.000ha rừng cho 228 hộ dân, nhóm hộ gia đình tham gia với mức chi trả bình quân 200.000 đồng/ha/năm (hiện nay là 400.000 đồng/ha/năm). Thực tế cho thấy, việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân, nhóm hộ, tổ chức bảo vệ góp phần nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng. Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng xóm Kim Sơn, xã Thần Sa bộc bạch: Từ năm 2016, xóm tôi đứng ra nhận khoán bảo vệ hơn 800ha rừng. Xóm có 84 hộ với hơn 430 nhân khẩu thay lân nhau đi tuần tra, bảo vệ rừng. Khoản tiền thu được từ nhận khoán, xóm đã trích ra 40 triệu đồng để làm 900m đường bê tông, góp phần cải thiện cuộc sống. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, rừng có tác dụng điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước nên chung tay giữ rừng từ gốc, không để ai xâm hại rừng.
Do được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo sự đồng thuận cao giữa đơn vị, chính quyền địa phương và cộng đồng nhận khoán nên việc bảo vệ rừng của các cộng đồng nhận khoán đảm bảo yêu cầu đặt ra. Các hộ dân, cộng đồng nhận khoán tự giác tổ chức phân công, cắt cử lực lượng tuần tra bảo vệ rừng đầy đủ; đồng thời báo cáo kết quả tuần tra bảo vệ rừng tại các cuộc họp giao ban hàng tháng tại UBND các xã, thị trấn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám Đốc kiêm Phó Hạt trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho biết: Để công tác giao khoán bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền địa phương cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng đối với diện tích rừng nhận khoán; kịp thời nghiệm thu, thanh toán tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng nhận khoán nhằm ổn định về đời sống, khuyến khích người dân yên tâm gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đối với các cộng đồng nhận khoán để ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng rừng, đơn vị kiên quyết xử lý theo quy định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền chuyển sang cho cộng đồng khác để vừa đảm bảo diện tích rừng được giao khoán bảo vệ, vừa tăng cường vai trò của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
Có thể thấy, việc thực hiện chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã tạo thêm công ăn việc làm cho người dân sống trong vùng dự án, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng hiện có, làm cho những cánh rừng ngày càng hồi sinh.