Dù mới chỉ học hết lớp 4, không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào, nhưng từ quá trình lao động sản xuất, ông Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1959, ở xóm Soi, xã Ký Phú (Đại Từ) đã sáng chế, cải tiến nhiều loại máy móc có tính ứng dụng cao. Trong đó có chiếc máy cắt tỉa cây cảnh đa năng đã trở thành người bạn đồng hành của ông trong công việc hằng ngày.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có tới 10 anh chị em. Học hết lớp 4, ông phải bỏ ngang chừng. Tuổi trẻ của ông là những ngày tháng lăn lộn, vất vả cùng ruộng đồng. Hơn ai hết, ông thấu hiểu sự lam lũ, vất vả của người nông dân, tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả và năng suất không cao. Vì vậy, ông luôn trăn trở, nung nấu ý tưởng giúp bà con giảm sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Ngày ngày phụ giúp gia đình, đêm đến ông lại mày mò, nghiên cứu để chế tạo, cải tiến những máy móc, vật dụng phục vụ nông nghiệp. Cứ thế, từng sản phẩm ra đời, từ chiếc máy cày bừa mini được ông chế tạo bằng động cơ chiếc xe máy cũ, đến máy nghiền đất để phục vụ cho việc ươm giống… đều khiến bà con chòm xóm nể phục.
Khoảng 10 năm về trước, gia đình ông tập trung trồng và kinh doanh hoa, cây cảnh. Đam mê với nghệ thuật bonsai, lại khéo tay nên ông thường được các cơ quan công sở, trường học trên địa bàn trong và ngoài huyện thuê cắt tỉa cây cảnh. Nhờ làm việc uy tín, trách nhiệm nên công việc đến với ông ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, trước đây ông chủ yếu cắt tỉa cây cảnh thủ công bằng kéo, nên khi công việc nhiều khiến ông không thể đáp ứng được khối lượng do sức khỏe, đồng thời đòi hỏi về tiến độ, thời gian. Xòe bàn tay thô ráp, chai sạn và hằn những vết sẹo do nhiều năm cầm kéo, ông kể: “Từ áp lực của công việc và tuổi tác, năm 2016, tôi nảy ra ý tưởng nghiên cứu, chế tạo chiếc máy có thể phụ giúp mình trong việc cắt tỉa cây cảnh. Đồng thời, tôi tự đặt ra yêu cầu máy phải đáp ứng được yếu tố không gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn để đảm bảo nhu cầu làm việc, học tập trong các đơn vị, trường học”.
Nghĩ rồi, ông quyết định dành thời gian ở nhà mày mò, nghiên cứu, phân tích những đặc điểm cần có của một chiếc máy và phác thảo thiết kế. Lần tìm trong tập tài liệu, ông cho chúng tôi xem bản thiết kế do tự tay ông vẽ. Say sưa giải thích từng chi tiết trong đó, ông cười: “Ngày trước, tôi chỉ được học hết lớp 4 thôi, không giỏi tính toán cũng không hiểu lắm về vật lý, cơ khí. Các bản thiết kế tôi đều vẽ theo trí tưởng tượng, chứ không đúng kỹ thuật, không khoa học như những người có chuyên môn. Có lẽ những người làm nghề cơ khí hay các kỹ sư nhìn thấy những bản vẽ này cũng khó hiểu được”.
Trời không phụ công người có ý chí, quyết tâm, ông đã tự tay chế tạo thành công 2 chiếc máy cắt tỉa cây cảnh. Một chiếc chuyên để cắt tỉa hàng cây theo đường thẳng, một chiếc đeo vai chuyên cắt cây đơn. Tất cả các bộ phận của máy đều được ông tận dụng từ những phế phẩm công nghiệp như chiếc bình ắc quy 12V tận dụng từ xe máy cũ, cán chổi lau nhà, bánh xe hàng trong siêu thị, động cơ điện, lưỡi cưa cũ… với chi phí chỉ trên 3 triệu đồng. Theo ông, vấn đề khó nhất trong quá trình chế tạo 2 chiếc máy này là điểm bắt ốc vít với lưỡi dao. Nếu con ốc được bắt theo chiều thuận, khi vận hành lưỡi dao quay sẽ dễ bị tuột ra. Vì vậy, ông đã nghiên cứu để con ốc càng siết chặt vào mỗi khi con dao hoạt động.
Quả thực, chứng kiến ông sử dụng chiếc máy cắt tỉa cây cảnh của mình, tôi bất ngờ không nghĩ một lão nông không am hiểu nhiều về cơ khí chế tạo lại có thể làm ra chiếc máy gọn nhẹ, linh hoạt, đa năng và hiệu quả, tiết kiệm đến vậy. Ngoài các chức năng cơ bản là cắt, tỉa, 2 chiếc máy do ông chế tạo còn có đầy đủ bộ phận để điều chỉnh độ rộng, hẹp, cao thấp và tốc độ cắt phù hợp với từng hàng cây, từng địa hình khác nhau. Từ ngày có chiếc máy làm bạn, một mình ông có thể đáp ứng được khối lượng công việc mà trước đây phải 4-5 người như ông làm cật lực trong một ngày mới xong. Đặc biệt, máy không gây tiếng ồn, không gây ô nhiễm môi trường vì dùng bình ắc quy điện nên các nơi có nhu cầu cắt tỉa cây cảnh đều rất thích. Vì thế cũng ngày càng có nhiều cơ quan, đơn vị thuê ông làm công việc này. Hiện ông ký hợp đồng chăm sóc, cắt tỉa vườn hoa, cây cảnh với hơn 100 đơn vị tại các huyện Đại Từ, Sơn Dương (Tuyên Quang) và Sóc Sơn (Hà Nội)...
Ở cái tuổi lục tuần như ông, nhiều người đã nghỉ ngơi, an yên cùng con cháu. Nhưng với ông, được lao động, sáng tạo là niềm vui thú. Hàng ngày, ông cùng vợ đến các đơn vị làm công việc chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. Những lúc rảnh rỗi, ông lại quanh quẩn bên vườn hoa, cây cảnh của gia đình. Với “biệt tài” của ông, người dân trong xóm thường tìm đến nhờ ông sửa giúp các loại máy móc, đồ điện tử, gia dụng. Mặc dù bận rộn với công việc nhưng ông luôn sẵn sàng giúp đỡ. Bà con gọi ông với cái tên thân thương “kỹ sư xóm”.
Nhiều người dân trong vùng nhận xét: Ông Hồng là một nông dân năng động, sống gương mẫu, tích cực giúp đỡ bà con chòm xóm và là người sáng dạ, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Những tấm gương như ông Hồng rất đáng để học tập và noi theo.