Tập trung phát triển kinh tế các xã ATK

16:09, 28/04/2018

Trong thời kỳ kháng chiến, người dân các xã ATK thuộc huyện Đại Từ từng anh dũng, kiên cường, đóng góp nhiều sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và hôm nay, trong thời kỳ đổi mới, những người con vùng ATK lại phát huy tinh thần tự lực, khắc phục khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước phát huy thế mạnh của địa phương, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Đại Từ có 24 xã ATK. Những năm qua, mặc dù các xã này còn nhiều khó khăn về kinh tế, song được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nên thời gian gần đây, đời sống của người dân các xã ATK đã có nhiều khởi sắc. Thông qua việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho pháttriển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội vùng ATK, thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn đã nâng cao hiệu quả đầu tư, mang lại kết quả thiết thực, từng bước làm khang trang bộ mặt các xã và nâng cao đời sống người dân.

Một trong những chính sách tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân đó là hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân các xã ATK. Để việc hỗ trợ được thực hiện đúng đối tượng, đem lại hiệu quả cao, UBND huyện đã xây dựng quy trình, lập kế hoạch triển khai đến các xã, giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì, hướng dẫn các xã thành lập ban quản lý, ban giám sát thực hiện. Đối với các xã, căn cứ chỉ tiêu đã được phân bổ, UBND các xã thực hiện hướng dẫn các xóm bình xét công khai, đảm bảo dân chủ, đúng theo chỉ đạo: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, từ đó hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nội dung quy định. Nhờ đó, việc hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các dân tộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời, tiếp thu và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất được mở rộng, các ngành nghề, dịch vụ, phục vụ sản xuất được chú trọng và phát triển. Các thiết bị máy móc, cây, con giống dùng để hỗ trợ cho nông dân phù hợp với điều kiện sản xuất của nhân dân địa phương nên phát huy tốt hiệu quả sản xuất. Việc hỗ trợ tập huấn chuyển giao kiến thức KHKT cũng đã giúp nông dân áp dụng thành thạo vào việc sử dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Sau khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đều phát huy được hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân các xã ATK.

Nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định cho người dân được triển khai tại các xã ATK trên điịa bàn huyện Đại Từ. Trong ảnh: Mô hình trồng cam ở xã Cát Nê..

Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, những năm qua, huyện Đại Từ đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ATK. Từ năm 2010 đến nay, các xã vùng ATK đã được đầu tư hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, giáo dục, chợ, cầu... với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng. Qua đó làm khang trang bộ mặt của các xã ATK, đồng thời phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Đến xã ATK Quân Chu, chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê cách mạng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đời sống của người dân đã từng bước được nâng lên. Theo chuẩn nghèo đa chiều, hiện nay toàn xã còn gần 200 hộ nghèo và trên 100 hộ cận nghèo. Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND xã Quân Chu cho biết: Đây vốn là xã miền núi của huyện Đại Từ nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo. Xã có 19 xóm, trên 1.000 hộ với trên 4.000 nhân khẩu. Địa hình ở đây chủ yếu là núi cao, kế tiếp là các đồi bát úp nối nhau, ruộng ít và manh mún, xen kẹp giữa các dãy núi, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Đã có lúc, Quân Chu được liệt vào xã khó khăn nhất, nhì huyện. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con địa phương có thể mua sắm máy móc, nông cụ... phục vụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ khá giả. Hiện nay, toàn xã có gần 100ha cây ăn quả các loại như: bưởi, nhãn, cam... đem lại giá trị cao. Từ các mô hình sản xuất mới, Quân Chu đang từng bước xây dựng cuộc sống ấm no, những ngôi nhà xây khang trang mọc lên ngày càng nhiều, đường đến các xóm được xây dựng sạch sẽ...

Cũng như Quân Chu, được sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nên trong vài năm trở lại đây, xã La Bằng đã dần hoàn thiện hạ tầng thiết yếu tại địa phương, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn, thủy lợi phục vụ sản xuất. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành việc bê tông hóa các tuyến đường, người dân từ làng trên, xóm dưới không còn phải đi đường đất như trước. Ngoài ra, trạm y tế, trường học được đầu tư theo hướng kiên cố, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh và học tập của người dân. Cũng nhờ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, La Bằng là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và trong năm nay, xã phấn đấu xây dựng xóm Đồng Tiến là xóm nông thôn mới kiểu mẫu.

Không riêng xã La Bằng, Quân Chu mà về các xã ATK Đại Từ hôm nay, chúng ta sẽ thấy đời sống của người dân các xã đang từng ngày đổi mới, hạ tầng được xây dựng khang trang, từng bước hiện đại hóa. Người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, đã biết khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư sản xuất. Trong đó, tập trung phát triển mạnh cây chè và các loại cây ăn quả, rau màu, xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi... Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có những tác động to lớn làm cho bộ mặt nông thôn ở các xã ATK có nhiều thay đổi, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trên 10% mỗi năm.

Thời gian tới, nhằm tiếp tục tạo lực đẩy giúp các xã ATK vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, hiện đại, huyện Đại Từ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chươngtrình hỗ trợ vùng ATK, nhất là hỗ trợ về nhà ở, ổn định dân cư hộ nghèo, hộ sống ở vùng bão lũ, ven sông, suối theo hướng ổn định, phát triển bền vững. Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm... Đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với điều kiện từng vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển.