Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

09:22, 14/04/2018

Là địa phương có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên thực tế sản xuất và đời sống của người dân chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, về chất lượng nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao… Chính vì vậy, huyện Đại Từ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, trong đó tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Huyện Đại Từ có nhiều tiềm năng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây là địa phương có diện tích lúa và chè lớn nhất tỉnh (với 12.500ha lúa, 6.300ha chè), đồng thời còn là vùng đất có khí hậu ôn hòa, phù hợp với nhiều loại cây trồng. Thêm vào đó, hệ thống sông, suối, hồ, đập thủy lợi trên địa bàn khá dày, phục vụ tốt nhu cầu tưới tiêu. Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế này, thời gian qua, huyện Đại Từ luôn xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quan tâm đầu tư phát triển sản xuất lúa, chè, các loại rau màu, cây ăn quả... Một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của bà con nông dân, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, huyện tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, trong đó nổi bật nhất là việc xây dựng hệ thống đường giao thông, đường điện, các công trình thủy lợi để  thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển, cụ thể như: Năm 2016, toàn huyện đã triển khai xây mới, sửa chữa 24 công trình, xây dựng 6,9km kênh mương, trên 40km đường giao thông nông thôn kết hợp với sản xuất; năm 2017, tiếp tục xây mới khoảng 20km kênh mương phục vụ tưới tiêu, góp phần nâng tỷ lệ diện tích cêy trồng được tưới tiêu chủ động trên địa bàn lên trên 83%, trong đó diện tích lúa đạt trên 98%. Ngoài ra, huyện xác định rõ việc triển khai thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đã tạo bước đột phá trong nông nghiệp, đẩy nhanh quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người dân. Bước đầu đã hình thành rõ nét các vùng chuyên canh sản xuất như: Vùng trồng cây màu ở Bản Ngoại, cây ăn quả ở Tiên Hội, rau ở Hùng Sơn… Hiện nay, trên địa bàn huyện có 33 làng nghề, 96 trang trại, 34 HTX và 25 tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, HTX nông nghiệp Trung Na, HTX sản xuất rau an toàn thị trấn Hùng Sơn, THT Sản xuất rau an toàn Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh. Một số DN, HTX, trang trại đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định như: DN Chè Tuất Thoi, HTX Chè La Bằng, HTX Chè Nhật Thức, HTX Thanh niên Tân Linh, THT Rau an toàn xã Vạn Thọ...

Quan trọng là trong những năm gần đây, huyện đặc biệt quan tâm thu hút các DN vaâ khuyến khích người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xác định đây là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời, không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiện đại, đem lại giá trị cao. Kết quả, bước đầu đã có một số mô hình sản xuất tiệm cận dần đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử như, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Phú Gia, ở thị trấn Hùng Sơn. Đây là DN sản xuất nấm đầu tiên và duy nhất có 100% vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại. Tháng 9-2012, Công ty bắt đầu đưa dây chuyền, thiết bị phòng thí nghiệm nuôi cấy, ươm tạo giống nấm vào hoạt động cùng với khu nuôi trồng rộng 8.000m2. Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến của Đài Loan, Công ty không những đã có thể ươm tạo giống, nuôi trồng mà còn chuyển giao công nghệ và cung cấp giống nấm, thiết bị phục vụ sản xuất cho nhiều hộ dân. Đến nay, Công ty đang ươm trồng nhiều loại nấm như: Linh chi sừng hươu, nâu tây, đùi gà, đông cô, nấm ngô… bằng công nghệ hiện đại của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc với sản lượng 100 tấn nấm tươi và 400 tấn nấm khô/năm, doanh số đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của Công ty phần lớn được xuất khẩu.

Ngoài Công ty TNHH Công nghệ Sinh học nấm Phú Gia, trên địa bàn huyện còn có một số đơn vị sản xuất rau, chè, cây ăn quả mang “bóng dáng” của sản xuất công nghệ cao như: HTX Rau an toàn Trung Na, THT Rau an toàn xã Vạn Thọ, HTX Chè La Bằng… Các mô hình sản xuất nông nghiệp này đã tạo ra một diện mạo mới cho nền nông nghiệp Đại Từ, dần tạo thương hiệu cho nông sản địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây. Nhằm thúc đẩy những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, thân thiện môi trường, hiện nay, huyện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.