Không chỉ sôi nổi, nhiệt tình với công tác Đoàn, anh Lương Văn Dương, Bí thư Chi đoàn xóm Lò Gạch, xã Tràng Xá (Võ Nhai) còn được biết đến là một tấm gương thanh niên giàu nghị lực, biết vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 5 người con, Dương là con út. Vì hoàn cảnh khó khăn, học hết phổ thông, anh phải gác lại ước mơ nơi giảng đường đại học để đi làm ăn phụ giúp kinh tế gia đình. Nhiều năm bôn ba, lăn lộn với việc buôn bán gạo tại các tỉnh, thành, cuối cùng, anh quyết định quay trở về nơi quê nhà lập nghiệp. Cũng bởi khi đó, 4 chị gái của Dương đều đã lập gia đình riêng, anh muốn ở gần để tiện chăm sóc cha mẹ già.
Anh kể, năm 2018, trong một lần về thăm họ hàng tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), anh nhận thấy giống bưởi Diễn ở đây dễ trồng, cho thu nhập cao. Suốt mấy tháng ở Văn Giang, anh bắt tay vào học hỏi kinh nghiệm, từ cách ươm cây giống đến cách chăm sóc cây, thu hoạch quả. Dần dần, anh tích lũy cho mình được những kiến thức cơ bản về trồng cây ăn quả.
Cuối năm 2008, với chút vốn tích lũy được từ khi buôn gạo, anh mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 mẫu đất trồng ngô, sắn sang trồng bưởi Diễn và cam Vinh. Thời gian đầu, do kinh nghiệm chưa nhiều nên gần 50 cây cam bị mắc bệnh vàng lá gân xanh và chết dần. Không nản chí, anh chặt bỏ các gốc cam hỏng, tiếp tục mua cây giống mới thay thế. Rồi vừa trồng, anh vừa tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng cam, bưởi trên sách, báo, ti vi. Nhờ đó, sau 2 năm vất vả chăm sóc, vườn cây đã lên xanh tốt, cho quả sai trĩu cành.
Hơn chục năm gắn bó với vườn cây đã đem lại thành quả, hiện, gia đình anh trồng hơn 200 cây bưởi Diễn, 150 gốc cam Vinh, cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Trong đó, bưởi Diễn là nguồn thu nhập chính. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và có cả bưởi già được bố mẹ anh trồng trước đó nên năm vừa qua, gia đình anh bán với 2 mức giá khác nhau: 35.000 đồng/quả (với loại bưởi trồng được hơn 10 năm) và 20.000-25.000 đồng/quả (với những loại mới trồng). Anh chia sẻ: “Khách mua bưởi từ Hà Nội lên mua buôn là chủ yếu, nhưng cũng thường xuyên có khách quen ở địa phương đến tận vườn đặt mua, ít thì vài chục quả, nhiều thì hàng trăm quả, để biếu, để ăn Tết… Sắp tới, tôi sẽ bỏ cam để tập trung trồng bưởi, vì chất lượng cam không tốt lắm, thu nhập cũng không đáng kể”. Thành công đến nhờ sự chăm chỉ, mạnh dạn đầu tư, nhưng anh cũng băn khoăn rằng, khó khăn có thể nhiều, khi bà con trong vùng đã trồng đại trà. Dẫu thế, nhưng anh vẫn muốn mở rộng diện tích, bởi anh tin tưởng, nếu đảm bảo chất lượng, người mua vẫn sẽ tìm đến mình.
Không chỉ là một thanh niên trẻ làm kinh tế giỏi của địa phương, anh còn là Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt tình. Chi đoàn do anh làm Bí thư mặc dù là chi đoàn nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động rất sôi nổi. Để thu hút, tập hợp thanh niên tham gia các công việc chung của địa phương và đoàn cấp trên, bên cạnh đến từng nhà vận động, anh còn thường xuyên gặp gỡ, cùng họ trao đổi khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời chia sẻ, tận tình hướng dẫn họ cách phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền, anh và Chi đoàn do anh làm Bí thư được tặng giấy khen của Đoàn các cấp về thành tích xuất sắc trong công tác. Trong đó, thành tích nổi bật của anh là Giải thưởng Lương Định Của năm 2012 do Trung ương Đoàn trao tặng (giải thưởng tôn vinh những nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc).