Là một trong ba xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) năm 2018 của huyện Đồng Hỷ, dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự chung sức, đồng lòng, Đảng bộ và nhân dân xã Văn Hán quyết tâm “cán đích” NTM đúng hẹn. Để về đích đúng kế hoạch đề ra, hiện địa phương này đang gấp rút hoàn thành 5 tiêu chí chưa đạt.
Văn Hán là xã thuần nông, vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Hỷ, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất chè, trồng rừng. Vào năm 2011, xã mới đạt 6/19 tiêu chí NTM; thu nhập của người dân rất thấp, bình quân 10 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 18,6%; đường liên xã, thôn, nội xóm chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp.
Xác định xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xã đã huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả nội dung này. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Chúng tôi đã rà soát tất cả các tiêu chí và căn cứ vào thực tế để ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện những hạng mục, công trình cấp thiết đối với người dân. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động được xã thực hiện hiệu quả thông qua hệ thống loa phát thanh ở từng thôn, xóm, các hội nghị, buổi sinh hoạt tập trung. Chúng tôi cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, đồng thời phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa gắn với tiêu chí xây dựng NTM tới các tầng lớp nhân dân. Với cách làm đó, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã huy động được toàn thể nhân dân trong xã vào cuộc, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Bà con đã hiểu mục đích, ý nghĩa của Chương trình và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Toàn dân trong xã đã đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như: Đường giao thông nông thôn; trạm y tế; nhà văn hoá; chợ nông thôn… Chia sẻ với chúng tôi về sự đồng lòng của người dân, bà Nguyễn Thị Mai, xóm Hòa Khê 2 cho hay: Người dân chúng tôi đều hiểu việc xây mới và cải tạo các công trình đường giao thông, trạm bơm, kênh mương, nhà văn hoá, trường học… là phục vụ cho chính chúng tôi. Do đó, bà con ai cũng nhiệt tình đóng góp để các công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Với những nỗ lực trên, sau 7 năm thực hiện xây dựng NTM, đời sống người dân trong xã không ngừng được nâng lên, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện phục vụ đời sống người dân. Đến hết năm 2017, xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí NTM. Xã còn 5 tiêu chí NTM chưa đạt là: Giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; hộ nghèo; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Đầu năm 2018, trên cơ sở thực tế, xã đã đăng ký phấn đấu về đích NTM ngay trong năm, tức là sớm một năm so với dự kiến.
Để hoàn thành các tiêu chí còn chưa đạt nêu trên, xã Văn Hán đã đề ra giải pháp cụ thể. Trong đó, đối với các tiêu chí: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, xã đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tốt để xây dựng các công trình. Bao gồm, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường: 5km đường trục xã đoạn Thịnh Đức - La Đùm; 3km trục xã đoạn Hòa Khê 2 - Nam Hòa. Xây mới các công trình cơ sở vật chất văn hóa: Nhà văn hóa trung tâm xã và 4 phòng chức năng; 6 nhà văn hóa xóm (Thái Hưng, Hòa Khê, La Đùm, Thịnh Đức 1, Ấp Chè, Hòa Khê 2); cải tạo, sửa chữa 11 nhà văn hóa xóm (La Củm, Đoàn Lâm, Làng Cả, Vân Hòa, Ba Quà, Làng Hỏa, Vân Hán, Cầu Mai, La Đàn, Phả Lý, Thịnh Đức 2); sân, tường rào UBND xã; xây dựng 2km mương thoát nước thải sinh hoạt khu trung tâm xã. Theo tính toán của địa phương, số tiền đầu tư cho các hạng mục, công trình nêu trên lên đến hơn 26,8 tỷ đồng, trong đó, đầu tư cho đường: 13,9 tỷ đồng; cơ sở vật chất văn hoá: gần 10,51 tỷ đồng; môi trường: 2 tỷ đồng. Trước đề nghị của xã, huyện, tỉnh cũng đã đồng ý cấp cho địa phương số tiền 12,75 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng NTM; huyện dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 8,16 tỷ đồng cho địa phương; phần còn lại do nhân dân đóng góp.
Đối với tiêu chí hộ nghèo, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã còn 13,8%. Để giảm tỷ lệ này xuống dưới 12% theo như chỉ tiêu của tỉnh, xã Văn Hán đã thực hiện kỹ lưỡng việc rà soát lại hộ nghèo, phân loại nguyên nhân nghèo theo từng nhóm để từ đó có giải pháp cụ thể giúp đỡ thoát nghèo. Ông Vi Ngọc Thi cho biết thêm: Chúng tôi tập trung đào tạo nghề nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội của hộ nghèo để khuyến khích phát triển nghề rừng, nghề chè, trồng cây ăn quả vốn là thế mạnh của địa phương. Qua đó, từng bước giúp người nghèo sản xuất được hàng hóa tiếp cận và có những sản phẩm giá trị cao trên thị trường. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục huy động nguồn lực của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức các hoạt động chung tay chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo. Tiếp tục vận động các doanh nghiệp đào tạo, tiếp nhận lao động là hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc, từ đó góp phần tăng thu nhập, có tích lũy tiến tới giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.