Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương

10:50, 24/04/2018

Những năm qua, huyện Phú Bình luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm địa phương. Từ đó, các sản phẩm này ngày càng nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Về Phú Bình, khi hỏi về “đặc sản” của địa phương thì người dân nơi đây nhắc ngay đến nếp Thầu Dầu và gà đồi. Bởi đây là 2 loại nông sản tiêu biểu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu, nhãn hiệu bảo hộ tập thể trong năm 2012 và 2014. Nếp Thầu Dầu là giống lúa cổ truyền chất lượng cao, được người dân gieo cấy từ rất lâu đời. Loại nếp này có vị đậm, dẻo, được dùng để làm bánh chưng, bánh dày, xôi cốm và đặc biệt khi được đem làm tương thì có vị đậm đà, là đặc sản nổi tiếng của xã Úc Kỳ. Tuy nhiên, qua thời gian dài không được thanh lọc nên bị lẫn tạp, có nhiều hạt cứng. Vì thế, năm 2008, huyện đã cho triển khai Dự án Chọn lọc phục tráng giống nếp Thầu Dầu tại xã Úc Kỳ với mục tiêu chọn ra giống lúa nguyên chủng không bị pha trộn, giữ lại những tinh túy, chất lượng của giống.

Sau khi sản phẩm được cấp nhãn hiệu, huyện Phú Bình đã phối hợp với đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ và quy trình kỹ thuật, kiến thức sử dụng nhãn hiệu tập thể cho người dân; thành lập Ban Quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể lúa nếp Thầu Dầu của huyện; kiểm định và cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu; hỗ trợ kinh phí bảo hộ thương hiệu và cấp bao bì logo thương hiệu cho các hộ kinh doanh… Nhờ đó đã góp phần đưa mặt hàng này có thêm cơ hội được tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều người tiêu dùng biết đến, người dân từ đó cũng có thêm động lực để yên tâm sản xuất. Những năm qua, diện tích trồng lúa nếp Thầu Dầu đều tăng, từ việc trước kia chỉ có 2 xã Úc Kỳ và Xuân Phương gieo trồng với diện tích khoảng 50ha thì nay có thêm các xã Nga My, Hà Châu, Nhã Lộng gieo cấy với tổng diện tích gần 100ha mỗi năm.

Không riêng nếp Thầu Dầu, với mục tiêu nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản địa phương, đem lại giá trị lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất, huyện Phú Bình tiếp tục quan tâm, phát triển thương hiệu gà đồi Phú Bình. Các cơ quan chuyên môn đã định hướng người dân tổ chức chăn nuôi theo quy hoạch, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; hình thành những vùng tập trung, quy mô chăn nuôi lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm; sản xuất theo chuỗi liên kết... Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 117 trang trại chăn nuôi gia cầm (trong tổng gần 250 trang trại), trong đó có 6 trang trại chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn ASIANGAP, nhiều trang trại ứng dụng theo phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sản phẩm gà đồi Phú Bình không chỉ được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua mà đã xuất hiện trong một số nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Lê Xuân Bẩy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, có thể thấy rằngcác sản phẩm nông nghiệp của địa phương trước khi được bảo hộ đã có một vị trí nhất định trên thị trường, tuy nhiên sau khi bảo hộ nhãn hiệu, các sản phẩm mới thực sự có những bước phát triển mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao mà còn góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế của huyện.

Cùng với việc tiếp tục duy trì và bảo hộ các sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu, các ngành chức năng của huyện đẩy mạnh công tác phổ biến cơ chế, chính sách thương mại nông thôn, cập nhật thông tin về thị trường, giá cả, giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Cùng với đó là đưa sản phẩm tham gia các chương trình: Đưa hàng Việt về nông thôn; Hội chợ mỗi xã, phường một sản phẩm; Hội chợ Xuân…; phối hợp với các ngành của tỉnh triển khai đề án khuyến công, hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất.

Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Việc quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện phát triển sản phẩm không chỉ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân mà còn để sản phẩm đó khẳng định được thương hiệu. Chúng tôi luôn nỗ lực quảng bá, nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu, tạo cơ hội cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm, huyện tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời tuyên truyền tới người dân vùng sâu, xa của huyện, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với hàng hóa sản xuất trong nước nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa.