Huyện Đại Từ là địa phương có nhiều núi cao, cùng với hoạt động của các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn ít nhiều ảnh hưởng đến tầng địa chất, nên có nhiều nguy cơ sạt lở. Hiện nay, mùa mưa bão đã đến, làm tăng thêm nỗi lo về sự mất an toàn về người và tài sản ở những nơi có nhiều nguy cơ sạt lở. Chính vì vậy, huyện đang tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống những tình huống xấu có thể xảy ra.
Nhắc lại vụ sạt lở hàng nghìn khối đất đá từ bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ xảy ra hồi tháng 4 năm 2012 tại xóm Khuôn 1, xã Phục Linh (Đại Từ) chắc hẳn ai cũng xót xa vì những mất mát về người và tài sản. Vụ sạt đã vùi lấp nhà của 10 hộ dân, 6 ngôi nhà khác bị ảnh hưởng, 4ha đất nông nghiệp và vườn, khiến 7 người chết và bị thương.
Sau vụ sạt lở kinh hoàng ấy, tháng 4 năm 2016 tại xóm 6, xã Vạn Thọ cũng xảy ra sạt lở đất làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đây là khu tái định cư tập trung thuộc dự án đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc, tuy nhiên chưa kịp đón các hộ dân vào ở, chỉ sau một trận mưa lớn, tại một số vị trí mái taluy đã bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy không thiệt hại về người, nhưng đây cũng là lời cảnh báo về tình trạng sạt lở đất ở địa phương. Ngoài 2 vụ sạt lở nêu trên, thời gian qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nhỏ ở các địa phương. Riêng trong năm 2017, do tình hình mưa bão diễn biến rất phức tạp, từ tháng 3 đến hết tháng 9 trên địa bàn huyện đã chịu ảnh hưởng của 6 đợt mưa, bão lớn, gây sạt lở đất ở một số nơi như: Nhà văn hóa xóm 9 và khu tái định cư xóm 5, xóm 6 xã Vạn Thọ, một số tuyến đường tại xã Tân Linh, 3 nhà dân xã Phú Lạc có nguy cơ sạt lở phải di rời. Điều này đã thiệt hại về lúa, hoa màu và các công trình thuỷ lợi, giao thông, trường học, trạm y tế, nhà ở… gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Theo dự báo, năm 2018 là năm có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường về thủy văn. Từ tháng 8 đến tháng 11 có khả năng chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, có thể kèm lốc xoáy và mưa đá do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Đại Từ hiện nay có một số điểm đang có nguy cơ lớn xảy ra sạt lở như: Khu vực Núi Tán, nơi giáp ranh giữa 3 xã Cù Vân, Hà Thượng và Phục Linh; tại xóm Cẩm 3, xã Phục Linh hiện có hàng trăm vết nứt lớn nhỏ từ bờ moong kéo sâu vào phía trong, tạo ra những khe hở trên bề mặt đất và tại xóm 3, xóm 4 xã Cù Vân, xóm 1 xã Hà Thượng cũng có vết nứt chạy dọc trên đỉnh núi, vết nứt lớn nhất dài khoảng 1.000m, diện tích bị sụt lún trên đỉnh núi rộng khoảng 6.000m2, độ sâu khoảng 2-3m. Ngoài ra, tại xóm Đồng Ỏm, xã Yên Lãng cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo các hộ dân ở đây thì tình trạng này có từ năm 2013, sau khi người dân có ý kiến, năm 2017, Công ty than Khánh Hòa đã bồi thường di chuyển chỗ ở cho một số hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, do Công ty mở rộng moong khai thác, nên lại có thêm nhiều vết nứt mới ảnh hưởng đến nhiều hộ dân khác.
Trước mối lo ngại về tình trạng sạt lở đất trong mùa mưa bão, huyện Đại Từ đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các xã, thị trấn, các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng phương án PCTT&TKCN, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và phân công cụ thể từng thành viên trong Ban Chỉ huy xuống các cơ sở xung yếu đôn đốc, kiểm tra phương án PCTT&TKCN. Đặc biệt, đối với các vùng xung yếu, các vùng hay bị sạt lở đất như: Chân núi Tam Đảo, dưới chân núi Hồng, núi Chúa, các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra và có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy đến. Ông Hoàng Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng có phương án xử lý đối với các khu vực hay xảy ra sạt lở trên các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, tránh ách tắc giao thông. Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra phương án đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão của các mỏ khai thác khoáng sản, các vùng có nguy cơ sụt lún trên địa bàn, kịp thời báo cáo và đề xuất với UBND huyện và cơ quan cấp trên phương án xử lý để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân ở xung quanh khu vực khai thác.
Trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tất cả các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện thường xuyên liên lạc với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của huyện, nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết để chủ động triển khai phương án phòng chống. Đến nay, một số địa phương đã tiến hành phát quang cây cối ở những vùng nghi có dấu hiệu sụt lún, nứt đất để phát hiện những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Từ đó tiến hành cắm biển cảnh báo để người dân tránh đi vào các vùng dễ xảy ra sạt lở, đồng thời lên phương án di dời các hộ dân quanh khu vực khi có diễn biến xấu về thời tiết. Bên cạnh đó, tuyên truyền để người dân nêu cao ý thức đề phòng và xử lý khi có tình huống xảy ra, khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, báo ngay với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để có phương án xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sạt lở đất gây ra.