Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp

15:07, 28/05/2018

Sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro do thời tiết, sâu bệnh, cùng với đó là việc không chủ động được về đầu ra cho sản phẩm của nông dân… Vì vậy, liên kết sản xuất được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân có thu nhập ổn định, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị tăng cao. Xác định được điều này, những năm gần đây, huyện Phú Bình luôn quan tâm khuyến khích nông dân và các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng, phát triển những mô hình liên kết trong sản xuất.

Öng Phạm Đăng Ninh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình cho biết: Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm làm ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh, vì thế đời sống của nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đòi hỏi ngành Nông nghiệp huyện cần phát triển theo hướng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Những năm gần đây, huyện chú trọng vận động, khuyến khích nông dân và các HTX, doanh nghiệp liên kết sản xuất với nhau. Nhờ đó, trên địa bàn đã bước đầu hình thành những mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm...

Đơn cử như năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình đã phối hợp với Công ty TNHH Kibaco (Bắc Ninh) triển khai mô hình trồng 10ha giống ớt Nun 207 và tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt cho nông dân. Gần 200 hộ ở các xã Lương Phú, Tân Hòa, Tân Đức được Công ty cấp cây giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến khi thu hoạch, Công ty cam kết đứng ra thu mua toàn bộ ớt của bà con với giá tối thiểu 15.000 đồng/kg và tăng thêm 10% nếu giá trên trị trường tăng. Thực hiện đúng cam kết, Công ty đều đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho người dân, do vậy trong các năm tiếp theo, tính riêng tại xã Tân Đức, người dân đều phấn khởi trồng, mở rộng diện tích cây ớt, từ 2ha (năm 2015) đến nay tăng lên 20ha. Chị Đồng Thị Ninh, người dân trong xã chia sẻ: Có thời điểm giá ớt trên thị trường chỉ ở mức 10.000-12.000 đồng/kg nhưng Công ty vẫn đảm bảo thu mua đúng giá 15.000 đồng như cam kết. Được thu mua tận vườn với giá ổn định nên người dân chúng tôi rất yên tâm. Mong rằng ngày càng có nhiều mô hình hữu ích như thế này triển khai tại địa phương để người dân chúng tôi tìm được cây trồng thế mạnh có hiệu quả kinh tế cao giúp người dân có thu nhập ổn định.

Mong ước của chị Ninh cũng là suy nghĩ của bao người nông dân, tuy nhiên, để thu hút sự hỗ trợ từ phía các đơn vị, doanh nghiệp thì không phải điều đơn giản bởi phía “chủ đầu tư” luôn có những điều kiện, yêu cầu khắt khe riêng trong quá trình hợp tác, sản xuất. Do vậy bên cạnh những mô hình đầu tư từ doanh nghiệp, người dân đã tự tìm hướng liên kết với nhau, thành lập nên tổ hợp tác, HTX. Nhiều tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, trở thành đầu mối, “mắt xích” quan trọng trong việc giúp người dân tiêu thụ nông sản. Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lương Phú, mặc dù mới được thành lập năm 2017 với 7 thành viên tham gia nhưng HTX trở thành địa chỉ quen thuộc và tin cậy trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân địa phương. Được biết, trong hơn 1 năm qua, khoảng 80% sản lượng nông sản (chủ yếu là dưa chuột, ớt) của nông dân trong xã đã được HTX thu mua và xuất bán cho các thương lái. Cùng với việc tìm đầu ra cho nông sản địa phương, nhiều HTX còn hỗ trợ người nông dân bằng hình thức cung ứng đầu vào gồm giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX Chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ Đông Thịnh cho biết: Trước kia, do chưa có đầu ra ổn định nên các hộ chăn nuôi trong xã chỉ duy trì đàn ở quy mô nhỏ. Từ khi HTX được thành lập, các hộ chăn nuôi có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc và phòng dịch bệnh, thống nhất quy trình chăn nuôi từ khâu ấp trứng, chọn con giống, chăn nuôi gà thương phẩm. Với việc tạo sự liên kết khép kín giữa các hộ nông dân, hộ thành viên trong HTX nên chất lượng sản phẩm của các hộ đồng đều, được tiêu thụ với giá ổn định đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Nhẩm tính với mức 1.000 con/lứa, trung bình mỗi hộ thu lãi khoảng 30-40 triệu đồng, cao hơn nhiều so với việc chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, gia đình.

Cùng với HTX Đông Thịnh thì một số HTX như: HTX Ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành), HTX Chăn nuôi Tân Thành, HTX Dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh (xã Tân Kim); HTX rau củ quả xã Bảo Lý cũng đã bước đầu phát huy vai trò là cầu nối, tạo liên kết giữa các nông dân với nhau, với các doanh nghiệp và đặc biệt giúp người dân làm quen với mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Từ đó hình thành chuỗi liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, hướng đến sản phẩm nông nghiệp sạch, có thương hiệu… Với những lợi thế trong chăn nuôi, để khép kín quy trình, tạo ra thành phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng thì cần phải có một cơ sở giết mổ quy mô. Do đó, huyện đã tạo điều kiện và thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện cơ sở giết mổ (đặt tại xã Xuân Phương) đã liên kết với một số trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn, trung bình mỗi ngày xuất bán 1,5 tấn thịt lợn (đã truy xuất nguồn gốc) ra thị trường. Ngoài ra, đã có một doanh nghiệp đang khảo sát, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả tại xã Điềm Thụy. Khi Nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy các mô hình trồng trọt trên địa bàn…

Những kết quả trên phần nào cho ta thấy sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong việc thay đổi tư duy, hình thành lối sản xuất mới. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì những mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện vẫn chưa nhiều, hiệu quả còn thấp. Để hình thức liên kết này ngày càng nhân rộng và phát triển, góp phần thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, nâng cao thu nhập và phát triển bền vững cho nhân dân, theo öng Hòang Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, nhà máy chế biến rau, củ, quả; khuyến khích các tổ hợp tác, HTX liên kết phát triển; đẩy mạnh dự án cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng nguyên liệu lớn; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh công tác quảng bá, khai thác có hiệu quả những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương…