Những năm gần đây, cùng với các hoạt động giới thiệu, quảng bá, bà con ở Làng nghề chè xóm Tân Thái, xã Tức Tranh (Phú Lương) luôn chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến chè. Nhờ đó, giá trị, chất lượng các sản phẩm chè ngày càng được nâng lên.
Anh Tô Văn Khiêm, Trưởng xóm, kiêm Trưởng ban quản lý Làng nghề chè xóm Tân Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè an toàn Khe Cốc cho biết: Xóm Tân Thái có 78 hộ dân thì có đến 70 hộ với 154 lao động tham gia sản xuất, chế biến chè. Tổng diện tích chè của xóm là 53ha, trong đó có trên 48ha chè trung du đã được cải tạo, còn lại là các giống chè cành như: TRI 777, LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên được trồng mới cũng đã cho thu hoạch. Năng suất chè hiện đạt 120 tạ búp tươi/ha/năm. Vài năm trở lại đây, bà con trong xóm không ngừng học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến các sản phẩm chè ở các vùng chè nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như: Tân Cương (T.P Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Mộc Châu, Lâm Đồng... để sản phẩm chè ngày càng nâng lên, đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện, chúng tôi đã sản xuất được chè Đinh tâm với bán với giá từ 3,5 đến 5 triệu đồng/kg, chè Đinh ôm với bán với giá từ 1,2 đến 2 triệu đồng/kg, chè Tôm nõn với giá bán từ 450 .00 đến 800.000 đồng/kg, chè búp móc câu với giá bán từ 250.000 đến 400.000 đồng/kg. Ngoài ra, chúng tôi còn đầu tư máy móc sản xuất matcha trà xanh với giá bán 600.000 đồng/kg và một số sản phẩm từ chè như Kẹo trà xanh... Nhờ vậy, thu nhập của các hộ trồng trồng chè ngày càng tăng. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của người trồng chè ở xóm mới đạt 35 triệu đồng thì nay con số đó đã tăng lên 65 triệu đồng/năm...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các sản phẩm chè của người dân xóm Tân Thái không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong huyện mà còn được các thương lái ở Đại Từ, T.P Thái Nguyên đến tận nơi thu mua. Điều đáng phấn khởi, trong 2 năm trở lại đây, các sản phẩm chè cao cấp của bà con (3 loại chè đinh) đã vươn đến thị trường các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, với lượng tiêu thụ khoảng 4 tạ chè búp khô/tháng. Ông Bùi Hoàng Hải, công tác tại Văn phòng HĐND và UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cho biết: Trong một dịp về Phú Lương, tôi đã được uống trà của bà con xóm Tân Thái, thấy trà rất đượm nước, hương vị thơm ngon, nên đã mua 1 ít về pha mời khách, mọi người rất thích. Từ đó, mỗi tháng, tôi thường mua 1-2kg để sử dụng. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi đã đặt mua hộ cho anh chị em trong cơ quan 60kg chè các loại của bà con Làng nghề chè Tân Thái để pha mời khách và làm quà tặng.
Có thể nói, đây là thành quả bước đầu trong việc quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm chè của Làng nghề chè Tân Thái. Có được kết quả này, trước hết phải kể đến những nỗ lực của bà con trong việc quảng bá các sản phẩm chè của mình. Trưởng xóm Tô Văn Khiêm chia sẻ thêm: Để sản phẩm chè của Làng nghề được nhiều người biết đến, chúng tôi đã đề nghị UBND xã, huyện tạo điều kiện cho bà con được tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, cứ có dịp đi tham quan du dịch, học hỏi kinh nghiệm ở đâu, bà con lại mang theo các sản phẩm chè để giới thiệu, tặng bạn bè, người quen dùng thử.
Cùng với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bà con Làng nghề chè Tân Thái còn tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, mạnh dạn đầu xây dựng khu chế biến, máy móc, thiết bị chế biến chè. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, bà con trong xóm đã được Sở Công Thương, Hiệp hội Làng nghề chè tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí mua 36 bộ tôn quay, máy vò chè bằng Inox, 34 bộ giá hong rũ chè tươi sau thu hái. Đặc biệt, mới đây nhóm hộ anh Khiêm và một số hộ trong xóm đã được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy sao chè bằng gas trị giá gần 170 triệu đồng. Không chỉ có vậy, nhiều hộ dân trong xóm đã sửa chữa, nâng cấp khu chế biến đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (có trần chống bụi, tường xây bao quanh, có cửa ngăn chắn gia súc, gia cầm đi vào, nền gạch lát gạch men chống khuẩn). Ông Lê Văn Khánh, một hộ dân làm chè ở xóm chia sẻ: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến chè luôn được gia đình tôi quan tâm. Bởi, có như vậy, khách hàng mới tin dùng sản phẩm. Gia đình tôi đã đầu tư gần 80 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa lại khu chế biến đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát...
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, chế biến chè, người làm chè ở Tân Thái còn quan tâm sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Hiện nay, xóm có 13 hộ tham gia sản xuất chè VietGAP với diện tích gần 8ha và trên 20 hộ tham gia sản xuất chè theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 15ha. Ông Nguyễn Văn Tỵ, một hộ dân trong xóm cho biết: Gia đình tôi hiện có 7.000m2 chè, mỗi lứa thu hái được 2,5 tạ chè búp khô. Những năm gần đây, khi tham gia tổ hợp tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong xóm chủ yếu dùng thuốc trừ sâu sinh hoc, các chế phẩm chiết xuất từ thảo mộc. Do vậy, sản phẩm chè của chúng tôi luôn được khách hàng tin dùng, giá bán cũng cao hơn so với trước và so với nhiều nơi khác trong huyện.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bà con Làng nghề Tân Thái còn làm các bao bì có mẫu mã đẹp, bắt mắt như: Hộp đựng bằng tre, hộp giấy cao cấp, túi hút chân không, túi gắn mép bằng giấy tráng polymer... Các sản phẩm chè được đóng gói thành các túi nhỏ từ 10g đến 500g theo nhu cầu của khách hàng. Trong thời gian tới, ngoài việc duy trì sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con Làng nghề chè Tân Thái sẽ tập trung sản xuất chè theo hướng hữu cơ, tiến tới làm chè hữu cơ, đảm bảo an toàn, chất lượng phục vụ khách hàng gần xa.