Nhắc đến anh Nông Minh Đức, sinh năm 1991, ở xóm Đồng Kem 4, xã Yên Ninh (Phú Lương), nhiều người dân trong xã hết lời khen ngợi về tấm gương của một thanh niên tuổi đời còn trẻ nhưng đã là chủ của gia trại chăn nuôi gà ta thả đồi, đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, anh Đức đã xin vào làm tại một số doanh nghiệp ở Thái Nguyên, rồi ở T.P Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với ước muốn được trở về quê hương để gần gũi với những người thân yêu, năm 2016, anh Đức đã từ bỏ công việc mình đang làm khá tốt tại một doanh nghiệp ở T.P Hồ Chí Minh để trở về nhà nuôi gà ta thả đồi. Anh Nông Minh Đức chia sẻ: Hơn 3 năm làm việc xa nhà, nhất là khoảng thời gian trong Sài Gòn, vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, tôi thường cùng bạn bè đi thăm thú nhiều nơi ở Sài Gòn, Bình Dương. Qua những chuyến đi ấy, tôi thấy có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp, để được sum vầy với gia đình. Trước khi quyết định về quê, tôi đã nghĩ ngay đến chăn nuôi gà ta thả vườn để đón đầu những yêu cầu ngày càng cao của thị trường là thực phẩm sạch. Bởi lúc đó, gia đình tôi có diện tích vườn, đồi khá rộng (hơn 8.000m2), rất phù hợp với chăn nuôi gà. Bố mẹ tôi cũng đã mua được dàn máy xay xát gạo, nghiền cám. Trong khi đó, đầu tư chăn nuôi gà cần ít vốn, mà giá bán và đầu ra cũng ổn định hơn chăn nuôi lợn. Sau khi khảo sát và tìm hiểu mô hình chăn nuôi gà ở một số nơi trong và ngoài huyện, tôi quyết định tập trung vào chăn nuôi gà ta thả đồi. Bước đầu bắt tay vào xây dựng mô hình, tôi nuôi thử nghiệm trước ba lứa, với khoảng 100 con/lứa, sau tăng dần số lượng mỗi đàn. Hiện nay, tôi đã xây dựng được hệ thống chuồng trại rộng khoảng 300m2 trên diện tích đất rộng khoảng 8.000m2. Hệ thống chuồng trại được thiết kế khép kín đảm bảo các vấn đề về cách ly dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tôi cũng tăng đàn lên 600 con gà/lứa. Lứa nọ gối lứa kia, mỗi năm, tôi nuôi được 6 lứa gà, đem lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng...
Tuy nhiên, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh Đức đã phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong chăn nuôi để đạt được ước vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Theo chia sẻ của anh Đức, thời gian đầu, ngoài khó khăn về nguồn vốn, gà anh nuôi cũng hay bị bệnh và chết nhiều do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm nuôi. Không bỏ cuộc, anh vào mạng tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà trên mạng Internet, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi khác và thường xuyên trao đổi với bạn bè học chuyên ngành thú y về những triệu chứng bệnh ở gà. Nhờ đó, việc chăn nuôi gà của anh dần đi vào ổn định. Thế nhưng, khi gà được xuất bán, vấn đề đầu ra lại khiến anh phải trăn trở. Để gải quyết vấn đề, anh lại cất công đi mời chào bán sản phẩm tại các quán ăn, cửa hàng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, nghe tin nhà nào có đám cưới, anh lại đến tận nhà để giới thiệu.
Điều khiến chúng tôi ấn tượng với mô hình chăn nuôi gà ta thả đồi của anh Đức không chỉ ở địa điểm chăn thả rộng rãi, mát mẻ mà còn ở cách chăn nuôi gà. Khác với nhiều hộ nuôi gà thả vườn khác, thức ăn chăn nuôi gà hoàn toàn không dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng mà chỉ dùng cám gạo, ngô nghiền trộn với rau muống, thân ngô non, cỏ voi nghiền nhỏ. Ngoài ra, mỗi tuần, anh cho gà ăn một bữa giun quế để bổ sung chất đạm. Để đảm bảo thức ăn cho gà, anh Đức đã trồng 10 sào cỏ voi, 3 sào rau muống và 4 sào ngô. Anh cũng đầu tư máy thái cỏ trị giá hơn 5 triều đồng để thái cỏ, rau muống, thân cây ngô làm thức ăn cho gà. Có cỏ voi, anh còn nuôi thêm một con bò vừa để lấy thịt bán, vừa để lấy phân nuôi hơn 60m2 đất giun quế để bổ sung chất đạm cho đàn gà.
Vì không nuôi cám tăng trọng, gà của anh nuôi phải nuôi dài ngày hơn so với mô hình nuôi gà mía (6 tháng mới được xuất bán). Chính vì thế, chất lượng gà thịt rất ngon, bán được giá cao hơn so với nhiều mô hình nuôi gà thả vườn khác. Có thời điểm, gà của anh bán được với giá 130.000 đồng/kg gà hơi, cao hơn 50.000 đồng so với gà mía cũng nuôi theo hình thức thả đồi. Gà của gia đình anh Đức không chỉ được bán ở các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn huyện mà còn được người tiêu dùng ở T.P Thái Nguyên biết đến. Chị Nguyễn Thu Hà, ở tổ 10, phường Phan Đình, T.P Thái Nguyên, một khách thường xuyên mua gà của anh Đức, chia sẻ: Qua giới thiệu sản phẩm trên mạng, tôi đã đặt mua một con gà của do gia đình Đức nuôi. Tôi ăn thấy gà chắc thịt, thơm, ngon ngọt. Từ đó, cứ khi nào cần, tôi lại gọi điện thoại đặt mua.
Mô hình chăn nuôi gà ta thả đồi của anh Đức không chỉ mang lại thu nhập khá cho kinh tế gia đình mà còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Anh Hà Quảng Chính, một trong những người đang phụ trách chăn nuôi gà cho anh Đức cho biết: Tôi làm việc ở đây đã hơn 1 năm với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc nơi đây cũng không gò bó, chủ yếu bận rộn lúc cho gà ăn, gà uống nước. Tôi thấy mô hình chăn nuôi này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo sạch, an toàn.
Với hoài bão, khát vọng lớn của chàng thanh niên trẻ tuổi, thời gian tới, anh Nông Minh Đức sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1.000 con gà/lứa, đồng thời xúc tiến xây dựng thương hiệu gà ta thả đồi sạch, an toàn. Có thể nói, thành công từ cách nghĩ, cách làm của Đức sẽ có tác động tích cực đến nhận thức của nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã về con đường lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.