Khép kín quy trình "từ quả trứng đến… bàn ăn"!

14:49, 04/05/2018

Toàn bộ quy trình sản xuất, gồm: ấp trứng, nuôi con giống, chăn nuôi gà thương phẩm cho tới tìm thị trường tiêu thụ đã và đang được Hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (viết tắt là HTX Đông Thịnh), xã Tân Khánh (Phú Bình) thực hiện từ nhiều năm nay. Và mới đây, khi HTX ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty CP Thương mại Lan Vinh, ở Gia Lâm (Hà Nội) thì quy trình này đã khép kín “từ quả trứng đến...bàn ăn”. Hiệu quả mà mô hình này đem lại chính là người chăn nuôi có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế tăng lên đáng kể, đồng thời, chủ động được nguồn giống có chất lượng…

Chúng tôi có mặt tại HTX Đông Thịnh khi chỉ còn 15 ngày nữa là lứa gà đầu tiên của HTX sẽ xuất bán cho Công ty CP Thương mại Lan Vinh, ở Gia Lâm (Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX không giấu được sự phấn khởi: Được sự giới thiệu của Chi cục Thú y và Hội Nông dân tỉnh, vừa qua, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với đơn vị tiêu thụ là Công ty CP Thương mại Lan Vinh. Theo đó, cuối tháng 4, đầu tháng 5 này chính là thời điểm HTX xuất bán lứa gà đầu tiên cho Công ty. Để được đơn vị bao tiêu chấp nhận, HTX phải tuân thủ quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, trọng lượng trung bình là 2kg/con. Với giá bán ký kết là 54.000 đồng/kg, HTX sẽ xuất bán 100 con/ngày… Đây là tín hiệu vui vì các hộ thành viên sẽ có đầu ra ổn định, HTX có thể lên kế hoạch sản xuất, kết nối toàn bộ các khâu chăn nuôi thành một chuỗi, từ ấp trứng đến tiêu thụ.

Theo ông Thịnh, không phải may mắn mà HTX ký kết được hợp đồng tiêu thụ ổn định. Bởi lẽ khi mới thành lập (tháng 10-2014), mục đích của HTX chủ yếu là liên kết, tập hợp 15 thành viên để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Ban Quản trị HTX nhận ra rằng, để có thể mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và đem lại thu nhập ổn định cho thành viên thì tất yếu phải có sự đầu tư thống nhất, bài bản thông qua quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Trong đó, con giống là yếu tố quan trọng hàng đầu. Có được nguồn giống chất lượng tốt, giá cả ổn định thì quá trình chăn nuôi mới thuận lợi. Xác định được điều này, HTX đã xây dựng một số hộ thành viên là nguồn cung cấp con giống cho HTX.

Trứng trước khi đưa vào lò ấp luôn được các thành viên HTX lựa chọn kỹ càng.

Ông Lê Duy Thạch là một trong những thành viên như vậy. Ngoài chăn nuôi đàn gà với quy mô trên 8.000 con, gia đình ông còn đầu tư 25 triệu đồng để xây lò ấp trứng với công suất 16.000 con/lần ấp. Ông Thạch cho biết: Trứng để ấp nở con giống được lựa chọn phải có chất lượng tốt và ưu tiên nguồn trứng giống của các hộ thành viên HTX sản xuất. Khi cung ứng con giống cho các thành viên HTX, chúng tôi có các chính sách hỗ trợ, cho vay con giống và cung cấp với giá ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên. Do vậy, thay vì băn khoăn tìm nguồn giống đảm bảo như trước đây, hiện HTX không còn lo lắng về điều này nữa. Ngoài phục vụ nguồn giống cho gia đình, các thành viên của HTX, gia đình tôi còn cung cấp con giống cho nhiều hộ chăn nuôi lân cận, giá trung bình là 12.000 đồng/con giống.

Sau khi có nguồn con giống khỏe, HTX đã ký hợp đồng với các đại lý để có nguồn thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y chất lượng, giá rẻ và ổn định hơn giá thị trường. Tiếp đó, HTX xây dựng quy trình để sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi sạch, chất lượng cao và đồng đều. Các hộ thành viên nuôi cùng giống gà (gà ri, gà lai chọi), thống nhất về mật độ nuôi, chế độ ăn, thức ăn, thuốc thú y, thời gian nuôi (trung bình 120 ngày/lứa). Về cách chăm sóc gà, các hộ thành viên có thể thực hiện theo hệ thống thiết bị, dụng cụ của trại và nguồn lao động của gia đình. Nhưng thời gian tiêm vắc xin, tiêm thuốc thú y, liều lượng thức ăn chăn nuôi cho mỗi loại gà được HTX quy định cụ thể. Với cách làm này, lượng thức ăn, thuốc thú y được sử dụng ít nhất nhưng đàn gà luôn sinh trưởng theo chuẩn và không bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, các hộ thành viên đều có sổ ghi chép nhật ký chăn nuôi và chịu giám sát thường xuyên của Ban Kiểm soát của HTX.

Ông Nguyễn Văn My, thành viên HTX cho biết: Tham gia vào HTX, chúng tôi được hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm với nhau về quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc. Từ đó, tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn của HTX, từ giống đầu vào, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại… đều được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ chăn nuôi đảm bảo đúng quy trình, thời gian nên gà có thịt thơm, ngon hơn hẳn so với phương pháp chăn nuôi thông thường. Thêm vào đó, đàn gà mau lớn, khỏe mạnh và không bị dịch bệnh. Với giá bán trung bình là 58.000-60.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ 40-50 triệu đồng. Năm nay, tôi đã chủ động tăng đàn lên 2.500 con (tăng 1.500 con so với năm 2017) với hy vọng sẽ tăng thêm doanh thu.

Từ những quy định cụ thể và nghiêm ngặt trong chăn nuôi, nên các hộ thành viên đều tiêu thụ sản phẩm ổn định, thu lãi trung bình 30-40 triệu đồng mỗi lứa gà có quy mô 1.000 con. Tính riêng quý I-2018, HTX đã xuất bán ra thị trường trên 20.000 gà thương phẩm, với giá bán trung bình là 58.000 đồng/kg (với gà lai chọi) và trên 80.000 đồng/kg (gà ta). Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đăng Ninh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: Đòi hỏi của thị trường ngày càng cao, do vậy, sản phẩm nông nghiệp phải sạch và phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. Nếu người dân cứ mạnh ai nấy làm, không liên kết lại thì luôn chịu thua thiệt và khó khăn lớn. Việc liên kết trong cùng một tập thể như HTX Đông Thịnh là điều kiện để các thành viên hỗ trợ lẫn nhau về vốn, cùng đầu vào, đầu ra, giúp giảm giá thành và từng bước xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, những ràng buộc khi vào HTX là điều kiện để các hộ có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình, hướng tới phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Có thể thấy rằng, việc hình thành liên kết chuỗi trong chăn nuôi tại HTX Đông Thịnh là một hướng đi đúng đắn, minh chứng là hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, cùng với đó là người dân tìm được đầu ra ổn định. Tin tưởng rằng, với thành công bước đầu HTX Đông Thịnh sẽ là kinh nghiệm cho nhiều mô hình, HTX chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, qua đó, mở ra cơ hội cho các sản phẩm chăn nuôi được bày bán trong các hệ thống siêu thị lớn, hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa..