Mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất

10:36, 29/05/2018

Nhờ mạnh dạn đưa các giống dưa mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 2017 anh Tài đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc.

Khi nhắc đến cái tên Nguyễn Minh Tài (xóm Vinh Quang 3, xã Vinh Sơn), nhiều người dân trên địa bàn T.P Sông Công không còn lạ lẫm bởi anh Tài là một thanh niên thế hệ 9X nhưng đã rất “nổi tiếng” với vườn dưa vàng (hay còn gọi là dưa Kim Thiên Hoàng) cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Những quả dưa vàng ruộm do anh trồng ra đã được người dân trong và ngoài địa bàn biết đến, đặt mua. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Sơn nhận xét: Anh Tài là một nông dân trẻ, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của anh Tài là mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu của xã và thành phố.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dưa, anh Tài chia sẻ: Năm 2015, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm giống dưa vàng trên diện tích 2.000m2. Vì đây là giống dưa mới nên chưa được nhiều người dân biết đến. Gia đình đã phải tự liên hệ với các cửa hàng bán hoa quả trên địa bàn T.P Sông Công và T.P Thái Nguyên để tiêu thụ, đồng thời bán lẻ cho người dân trên địa bàn. Với giá bán từ 20.000-30.000 đồng/kg, hiện nay, trái dưa của gia đình được nhiều người đón nhận, đầu năm 2018, tôi mạnh dạn đưa thêm giống dưa lai lê (hay còn gọi là dưa Như Ngọc) vào trồng với diện tích 4.000m2. Đây là giống dưa tôi tìm mua ở tỉnh Vĩnh Phúc. So với dưa Kim Thiên Hoàng, quả dưa Như Ngọc màu trắng, dài hơn, có vị ngọt hơn, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 7 tạ/sào.

Vì hai giống dưa này khá “nhạy cảm” với thời tiết nên để dưa không bị thối, nứt do gặp mưa hay côn trùng gây hại, anh Tài đã mạnh dạn vay ngân hàng, anh em và bạn số tiền trên 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới với giàn tưới nhỏ giọt hoàn toàn bằng nước giếng khoan, đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nguồn vốn không có nhiều, anh đã tự mua nguyên liệu, tự thiết kế và thuê người thi công nên đã tiết kiệm tối đa chi phí lắp đặt nhà lưới. Khi chúng tôi hỏi trong quá trình trồng và chăm sóc hai giống dưa mới anh có gặp phải những khó khăn gì không, anh Tài cười nói: Trước đây, khi ngồi trên giảng đường đại học (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), tôi được cử sang nước Isarel vừa học vừa làm theo Chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Isarel. Gần 1 năm ở nước bạn, tôi được học về các kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả. Khi đó, tôi đã ấp ủ sẽ đưa giống dưa Kim Hoàng Hậu về quê mình trồng thử nghiệm bằng những kỹ thuật tôi đã được học. Do vậy, tôi cũng không có nhiều bỡ ngỡ trong quá trình trồng và chăm sóc dưa. Tuy nhiên, với diện tích trồng dưa như hiện nay, gia đình khó có thể cung cấp cho các siêu thị bởi các siêu thị luôn yêu cầu nguồn hàng lớn và liên tục, trong khi 1 năm chỉ có hai vụ dưa. Vì vậy, tôi bán dưa chủ yếu qua hình thức bán hàng online hoặc nhờ bạn bè giới thiệu đến các cửa hàng, đại lý hoa quả.

Không chỉ chăm sóc tốt cho vườn dưa của gia đình, anh Tài còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc một số loại cây rau, củ, quả khác cho nhiều hộ dân trong xã. Anh Tạ Xuân Bằng, ở xóm Vinh Quang 1 cho biết: Cuối năm 2017, gia đình tôi trồng thử nghiệm 2.000m2 măng tây. Vì chưa trồng loại cây này bao giờ nên tôi còn nhiều lúng túng trong khâu trồng và chăm sóc. Tôi đã hỏi thêm anh Tài cách chăm sóc sao cho cây đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời nhờ anh tư vấn cách lắp hệ thống tưới nhỏ giọt và được anh hướng dẫn nhiệt tình. Đầu năm 2018, tôi đã mở rộng diện tích trồng măng tây lên 3.000m2.

Anh Tài bảo: Là một thanh niên trẻ, tôi luôn muốn đưa kiến thức đã học trên ghế nhà trường áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đưa các giống dưa mới, an toàn đến người tiêu dùng. Đồng thời, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Nói về kế hoạch thời gian tới, anh Tài cho chúng tôi biết thêm, anh dự định sẽ mở rộng diện tích dưa lên 10.000m2; lắp đặt hệ thống tưới cây thông minh (hay còn gọi là hệ thống tưới nước tự động bằng điều khiển) để có thể chủ động hơn về thời gian và giảm sức lao động trong việc cung cấp nước tưới cho vườn dưa; làm hệ thống nhà kính (nhà màng) để hạn chế tối đa tác động của thời tiết cũng như côn trùng gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của trái dưa. Tuy nhiên, để đầu tư cho hệ thống nhà kính, giá thành sẽ cao gấp 4-5 lần so với nhà lưới, anh mong muốn sẽ được các cấp, ngành chức năng của tỉnh và T.P Sông Công quan tâm, hỗ trợ về vốn cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm