Tận dụng nguồn sinh thủy của hồ Vai Miếu (xóm Chuối, xã Ký Phú, huyện Đại Từ), người dân địa phương đã thực hiện mô hình chăn nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Hồ Vai Miếu nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo. Từ xa xưa, nhân dân trong vùng đã đắp một con đập ngăn nước từ trên núi chảy xuống để lấy nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho vùng. Hiện nay, con đập này đã được Nhà nước đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng đập cứng tạo thành hồ nước sâu tới khoảng 20m, với trữ lượng nước trên 5 tỷ mét khối. Hiện, Hồ cung cấp nước tưới cho khoảng 17km2 ruộng của 4 xã: Cát Nê, Văn Yên, Vạn Thọ và Ký Phú. Ngoài việc cung cấp nước tưới, đây còn là điểm du lịch hấp dẫn và nuôi trồng thủy sản lý tưởng. Ông Lưu Văn Hạnh, xóm Chuối, xã Ký Phú là người đầu tiên khai thác tiềm năng chăn nuôi cá lồng ở đây và đã gặt hái được thành công bước đầu.
Kể về ý tưởng nuôi cá lồng trên hồ Vai Miếu, ông Hạnh cho biết: Say đắm cảnh sắc thiên nhiên ở đây, nên tôi thường xuyên lên Hồ ngắm cảnh, nhất là những ngày hè nắng nóng, khí hậu ở đây mát mẻ lắm cộng với nguồn nước ở đầu nguồn rất sạch sẽ, nên từ lâu tôi đã biết đây là môi trường lý tưởng để chăn nuôi cá. Tuy nhiên, do không có điều kiện về vốn, kỹ thuật cũng như không biết lựa chọn loài cá nào mang lại hiệu quả cao, nên mãi tôi vẫn chưa thể thực hiện ý tưởng đó. Đem những tâm tư này tâm sự với một người bạn, tôi được anh tiếp cho tôi thêm nhiệt huyết, quyết tâm xây dựng mô hình chăn nuôi cá lồng ở đây.
Được sự hướng dẫn của anh, tôi đã xuống Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội để chọn giống. Sau khi được tư vấn, tôi quyết định lắp đặt 30 lồng nuôi cá trên hồ và đầu năm 2016, tôi đã xuống Hà Nội nhập giống cá, lấy cá lăng đen làm chủ đạo để chăn nuôi, với quy mô hơn 20.000 con.
Hiện nay, ông Hạnh đã cho xuất bán cá lồng ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Chia sẻ về đặc tính của loài cá này, ông Hạnh cho biết thêm: Thức ăn chính của cá là tôm tép, tôi thu mua ở quanh khu vực hồ Núi Cốc đem về xay nhỏ rồi cho cá ăn. Cá Lăng là loài có tốc độ tăng trưởng nhanh, lúc mới nuôi thì khoảng 60-70 con/1kg, sau 1 năm cá đạt trọng lượng từ 3-4kg, mô hình của tôi có những con cá Lăng nặng 7kg. Do môi trường nước ở đây sạch sẽ nên tôi hoàn toàn không phải sử dụng các loại thuốc hóa học mà để phòng bệnh, mỗi tháng tôi lấy tỏi xay cùng với thức ăn rồi cho cá ăn là đủ. Để cá được khỏe mạnh, cá giống khi vận chuyển về phải nhẹ nhàng tránh xây xát, trước khi thả phải tiến hành tắm cho cá bằng dung dịch muối loãng hoặc thuốc tím để sát khuẩn, thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát là tốt nhất, quá trình thả phải thực hiện nhanh tránh cho cá khỏi bị ngạt
Cùng với cá lăng, năm 2017, ông Hạnh tiếp tục nuôi thử nghiệm 2.000 con cá chiên. Sở dĩ ông chọn nuôi loài cá này là vì đây là loài cá quý hiếm, hiện nay trong tự nhiên loài cá này đang có nguy cơ cạn kiệt, trong khi có ít người nuôi nên rất dễ bán. Ngoài ra, cá Chiên ăn ít nhưng lớn nhanh và giá thành cao, nên hiệu quả kinh tế sẽ cao. Hiện nay, 2.000 con cá chiên của ông mỗi con đã đạt trọng lượng khoảng 2kg/con đã bắt đầu cho bán với giá 350.000 - 370.000 đồng/kg. Cách đây 3 tháng, ông thả tiếp 50 con cá chiên, giờ đây đã to bằng bắp tay người lớn.
Ngoài cá chiên và cá lăng, ông Hạnh còn nuôi thêm nhiều loài khác như: lăng đen, lăng vàng, chiên, trắm đen, trắm trắng, trê lai, rô phi, diêu hồng, lóc… Mỗi năm, ông xuất bán 70-80 tấn cá các loại, trong đó 40 tấn cá lăng, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại, ông Hạnh đang dự tính sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi nhằm khai thác tốt tiềm năng sinh thủy của Hồ. Tuy nhiên, điều ông còn trăn trở là chưa đủ điều kiện để có thể chủ động sản xuất con giống tại chỗ để đỡ đi lại, vận chuyển vừa vất vả, vừa ảnh hưởng đến chất lượng giống và tiết kiệm chi phí. Chính vì thế, ông đang kết nối với Viện thủy sản với mong muốn được chuyển gao tiến bộ khoa học kỹ thuật để có thể chủ động được nguồn giống trong nay mai.