Là cơ sở để vừa duy trì phương thức làm ăn tập thể, phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và các cá biệt của địa phương nên các làng nghề có vai trò rất quan trọng. Bởi vậy, 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển, nhất là từ khi thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề giai đoạn 2016-2020.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, Thái Nguyên hiện có 220 làng nghề, trong đó có 198 làng nghề chè, số còn lại tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng; mây tre đan; trồng dâu nuôi tằm, trồng đào, sinh vật cảnh.… Chỉ riêng trong năm 2016 và 2017, toàn tỉnh đã có 80 làng nghề được công nhận.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, nhất là trong thời điểm hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ các làng nghề. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Hiệp hội làng nghề tỉnh đã hỗ trợ triển khai nhân rộng 4 làng nghề điểm với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 1 tỷ đồng để mua 95 máy sao chè, 96 máy vò chè, 2 máy hút chân không, 4 máy xẻ gỗ vi tính cho các hộ dân trong làng nghề chè và sản xuất đồ gỗ; tổ chức 2 lớp tập huấn về chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề và nâng cao năng lực quản lý làng nghề cho 300 người của ban quản lý làng nghề tại các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Lương tham gia. Cùng với đó, đã công nhận 37 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã công nhận 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. Thông qua việc công nhận này, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh đã tiếp cận được với thị trường trong và ngoài nước.
Không dừng lại ở đó, nhằm tạo nền tảng cho các làng nghề phát triển, tỉnh còn hỗ trợ các làng nghề tham gia nhiều hội chợ triển lãm sản phẩm công - nông nghiệp tiêu biểu trong và ngoài tỉnh; duy trì hoạt động của trang thông tin điện tử ngành Công Thương Thái Nguyên để quảng bá sản phẩm của các làng nghề.
Bà Lăng Thị Hoài, một người dân ở làng nghề chè truyền thống xóm Tân Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) cho hay: Từ khi làng nghề được công nhận, người dân chúng tôi được hưởng rất nhiều ưu đãi như được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, chế biến chè; được hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm; được hỗ trợ tiền mua các loại máy chế biến chè.
Tương tự, tại Tân Tiến, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), người dân cũng rất phấn khởi khi vùng chè rộng lớn này được công nhận làng nghề chè truyền thống. Mới được công nhận từ tháng 11-2017, đến nay, sản phẩm chè của Tân Tiên đã có giá bán cao hơn gần gấp đôi so với trước (giá bán hiện nay là 200.000 đồng/kg chè búp khô). Nguyên nhân là do sau khi được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hơn 100 hộ sản xuất chè của xóm đã mạnh dạn sản xuất chè theo hướng an toàn, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Theo ông Phan Bá Trường, Phó Giám đốc sở Công Thương, khi được công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống, người dân có cơ hội đón nhận nhiều ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước qua đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao chất lượng sản phẩm của các làng nghề cũng như tạo thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục hỗ trợ các làng nghề là một trong những hướng đi đúng đắn của Thái Nguyên. Thực tế cho thấy, những cơ chế, chính sách hỗ trợ thời gian qua đã khuyến khích các làng nghề phát triển. Tuy nhiên để các làng nghề phát triển ổn định, bền vững, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa duy trì được nét văn hóa đặc trưng thì tỉnh ta nên có thêm nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa. Trong đó, nên ưu tiên phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái. Với lợi thế có tới 198 làng nghề, làng nghề chè truyền thống, thông qua hỗ trợ, Thái Nguyên có thể khuyến khích các vùng chè vừa sản xuất kinh doanh, vừa thu hút được du khách đến tham quan. Nhất là các làng nghề chè nằm ven hồ Núi Cốc, bên dòng sông Công, dòng sông Cầu hay những đồi chè xanh ngút ngát mang đậm chất trung du miền núi ở Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai...
Bên cạnh đó, việc tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, giúp các làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một phần việc cần được đặc biệt quan tâm. Bởi khi được tạo điều kiện để các làng nghề bảo tồn, phát triển thương hiệu không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn mà còn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.