Sôi động vụ trồng rừng

09:47, 29/05/2018

Khi những cơn dông đầu hạ ập tới cũng là lúc nông dân trong tỉnh khẩn trương bắt tay vào trồng rừng. Năm nay, toàn tỉnh sẽ trồng mới hơn 3.164ha rừng theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững (giảm hơn 700ha so với năm 2017). Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện nay, bà con đã tập kết cây giống, vật tư nông nghiệp tại hiện trường và tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.

Là một trong những hộ có diện tích rừng lớn của xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), những ngày này, gia đình ông Triệu Tiến Hồng, ở xóm Mỏ Sắt đang tập trung nhân lực để trồng mới 9ha rừng. Trên lưng chừng đồi đầy nắng, lau những giọt mồ hôi, ông Hồng phấn khởi chia sẻ: Nhà tôi có 12ha rừng, năm ngoái gia đình đã khai thác 9ha, đạt trung bình 65 triệu đồng/ha. Không cho đất nghỉ, năm nay tôi tiếp tục trồng mới lại toàn bộ diện tích đã khai thác. Được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, chúng tôi cuốc hố, bỏ phân đúng quy trình kỹ thuật, trước khi trồng bóc vỏ bầu để cây phát triển bộ rễ, nhanh chóng hấp thu chất dinh dưỡng. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, tuy ban ngày trời nắng nhưng ban đêm có mưa, đất ẩm, cây trồng dễ sống.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đào Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Toàn xã có gần 4.000ha rừng, tập trung ở 10 xóm. Năm nay, xã dự kiến trồng 130ha. Đến thời điểm này, bà con đã hoàn thành các khâu thiết kế, xử lý thực bì và nhận đủ phân bón, cây giống, đang khẩn trương trồng rừng đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Nhiều năm qua, do làm tốt công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm nên trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng, công tác trồng rừng hàng năm đều đạt kế hoạch.

Tại huyện Đại Từ thời điểm này, bà con nông dân cũng đang hối hả trồng rừng. Vừa nhận được 166kg phân bón và hơn 1.660 cây giống, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọt, ở xóm Dốc Đỏ, xã Tân Thái tranh thủ trồng luôn vào buổi chiều mát. Bà Ngọt chia sẻ: Nhận thấy lợi ích kinh tế từ rừng đem lại, vài năm trở lại đây, bà con chúng tôi tập trung trồng, chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật để đạt hiệu quả cao. Năm nay, nhà tôi trồng 1ha rừng. Trong vòng 1, 2 năm đầu, chúng tôi còn trồng sắn để tạo bóng mát, tránh cỏ dại mọc và có thêm nguồn thu nhập. Dẫn chúng tôi đi kiểm tra thực tế những vạt rừng mới trồng cây lên xanh mướt, anh Vũ Văn Toản, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ cho biết: Để chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm nay đạt kết quả cao, ngay từ cuối năm 2017, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký  diện tích trồng rừng để xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ thiết kế trồng rừng theo đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi vào vụ trồng rừng, lực lượng kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân kỹ thuật phát dọn thực bì, cuốc hố. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc cấp phân và cây giống cho bà con. Toàn huyện hiện đã trồng được hơn 250/300ha, tỷ lệ cây sống đạt trên 96%.

Không chỉ ở Đồng Hỷ, Đại Từ, các địa phương khác trong tỉnh như Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương... cũng đang tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Năm nay, toàn tỉnh có hơn 2.400 hộ tham gia trồng 3.164ha rừng theo Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên. Các giống cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng là: Keo tai tượng hạt giống nhập từ Australia chiếm gần 90%, ngoài ra còn có keo tai tượng hạt giống trong nước, Quế, Mỡ, Lát... Nét mới trong công tác trồng rừng năm nay là các địa phương đã chỉ đạo triển khai công tác xử lý thực bì, cuốc hố chuẩn bị sớm hơn để khi có cây giống là sẵn sàng trồng được ngay. Bởi, rút kinh nghiệm từ những năm trước đây, do triển khai trồng muộn, rơi vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm (tháng 6, 7) khiến một số diện tích rừng mới trồng bị chết. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vườn ươm từ khâu chuẩn bị hạt giống, gieo ươm, cho đến xuất vườn nên đã hạn chế tình trạng sử dụng giống không rõ nguồn gốc đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện chất lượng rừng trồng. Về cơ chế, chính sách, mỗi hộ dân, tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng sản xuất, trồng cây gỗ lớn, cây đa mục đích, cây bản địa được hỗ trợ 8 triệu đồng/ha; còn trồng cây sản xuất gỗ nhỏ và cây phân tán được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha. Đối với các hộ, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha (năm thứ nhất: 20 triệu đồng/ha; năm thứ 2: 5 triệu đồng/ha; năm thứ 3: 3 triệu đồng/ha và năm thứ 4: 2 triệu đồng /ha). Ngoài ra, đối với hộ nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ, trong thời gian chưa tự túc được lương thực sẽ được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng (thời gian trợ cấp tối đa không quá 7 năm).

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Hùng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Để công tác trồng rừng đạt kết quả cao, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường công tác quản lý chất lượng cây lâm nghiệp theo quy định. Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại các huyện, thành, thị trong tỉnh. Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, các biện pháp thâm canh rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ cây rừng sau khi trồng.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã trồng được hơn 2.370ha rừng. Hiện nay, cùng với việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ trồng rừng để hoàn thành trong tháng 5, lực lượng kiểm lâm cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích rừng đã trồng để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng một cách hiệu quả.