Sau 2 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020, huyện Định Hóa đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi… đã giúp nhiều gia đình có việc làm, tạo ra thu nhập ổn định. Tổng cộng có 1.550 hộ trên địa bàn thoát nghèo, tương đương tỷ lệ giảm là 6,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ cận nghèo của huyện lại tăng 1,23% và trong số hộ nghèo có tới 88,1% là nghèo thu nhập. Thực tế này đòi hỏi huyện Định Hóa có những giải pháp đồng bộ hơn nữa để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Xã Phú Đình hiện là một trong 3 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất ở Định Hóa, với số liệu lần lượt là 29,64% và 32%. Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã trăn trở: Phần lớn hộ khó khăn về thu nhập trên địa bàn do thiếu tư liệu sản xuất. Các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã được triển khai nhưng nhìn chung còn chưa đáp ứng. Ví dụ, mỗi năm vốn giảm nghèo của Chương trình 135 phân bổ cho xã chỉ 300 triệu đồng; vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội tối đa một hộ được vay 50 triệu đồng. Số tiền này không đủ đầu tư một mô hình sản xuất quy mô tương đối mà chỉ có thể là nhỏ lẻ. Ngoài ra, theo thống kê thì toàn xã có tới 161 gia đình khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ. Đây là tiêu chí xét nghèo đa chiều không dễ có lời giải.
Có thể hình dung bức tranh về công tác giảm nghèo của xã Phú Đình với ví dụ thực tế ở xóm Nà Mùi. Trưởng xóm Âu Văn Cảnh giới thiệu: Xóm có 68 hộ thì có tới 42 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Khó nhất với bà con là thiếu đất sản xuất, trong khi ngành nghề phụ không đáng kể. Diện tích đất tự nhiên của xóm có rộng nhưng chủ yếu là rừng đặc dụng và phòng hộ, đất rừng sản xuất chỉ khoảng 10ha, chè 9ha và lúa 13,5ha phần lới chỉ cấy được một vụ do thiếu nước. Gia đình bà Nguyễn Thị Gái thuộc diện nghèo điển hình ở Nà Mùi. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Gái cứ luôn miệng kêu khổ lắm. “Nhà tôi có 6 nhân khẩu, nhưng chỉ có 1 sào ruộng và 3 sào chè, phần lớn lại mới trồng nên chưa được thu hoạch. Năm 2011, xóm xét gia đình ra khỏi hộ nghèo sau khi được hỗ trợ mua trâu. Nhưng ngay sau đó, chồng tôi bị tai biến đi cấp cứu, phải bán con trâu là tài sản giá trị để lấy tiền chữa trị. Vậy là gia đình lại tái nghèo từ đó đến nay” - bà Gái kể. Hai người con của vợ chồng bà Gái lập gia đình và làm nhà ở riêng ngay cạnh cũng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Cách đó một khoảnh vườn, gia đình ông Trần Văn Hồng mới tái nghèo năm 2016. Ông Hồng nói: Tôi được bà con bầu là người có uy tín trong cộng đồng nên nói thực cứ nghèo mãi cũng ngại. Trước thì không phải, nhưng khi địa phương đánh giá theo chuẩn tiếp cận đa chiều thì gia đình lại tái nghèo vì không có khả năng lao động, thu nhập không đủ, căn nhà lá cũng xuống cấp.
Với xã vùng sâu, vùng xa Linh Thông, vấn đề giảm nghèo cũng là bài toán khó khiến lãnh đạo địa phương trăn trở. Bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Tuy mấy năm nay đời sống của người dân đã có chuyển biến đáng kể nhưng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Linh Thông vẫn tới 63%. Cái khó của xã là nằm cách xa so với trung tâm huyện và giao thông không thuận lợi. Mang tiếng là xã miền núi nhưng đất rừng sản xuất không đáng kể vì phần lớn quy hoạch thành rừng phòng hộ và đặc dụng. Diện tích đất trồng lúa rất nhỏ hẹp và phân tán, tính chia trung bình mỗi nhân khẩu chưa nổi một sào. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế của người dân mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, tỷ lệ nghèo và cận nghèo có giảm nhưng nếu đánh giá thật công bằng thì chưa thực sự bền vững. Được biết, những năm qua Linh Thông đã huy động, vận dụng nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Chính quyền xã đã được tiếp nhận một số chương trình dành cho xã đặc biệt khó khăn, các tổ chức và nhà hảo tâm đầu tư cho hộ nghèo phát triển sản xuất và làm nhà. Trên cơ sở khảo sát thực tế, xã cũng kiến nghị chuyển khoảng 600ha đất rừng phòng hộ sang sản xuất để giúp người dân có thêm tư liệu canh tác.
Theo đánh giá của UBND Định Hóa, xét về tỷ lệ giảm nghèo hằng năm thì huyện đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 nhưng chưa thật sự bền vững. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như: giá nông sản bấp bênh, thiên tai lũ lụt trong năm 2017 gây thiệt hại lớn… thì chủ yếu là do các yếu tố chủ quan. Đó là: công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thực sự quyết liệt; việc tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách giảm nghèo chưa thực sự sâu rộng nên ý thức của một số ngành, địa phương và người dân hạn chế; việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp tại một số gia đình còn chưa thực sự phù hợp với nhu cầu, chưa tạo động lực để nâng cao năng suất lao động; một bộ phận người dân còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo để được hướng cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi…
Ông Ma Đình Đối, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa nhấn mạnh: Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và kết quả công tác giảm nghèo, chúng tôi nhận thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp đồng bộ nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Trong đó, xác định vai trò quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của cấp ủy, chính quyền các cấp về giảm nghèo. Với tinh thần này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vừa thông qua Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Định Hóa giai đoạn 2018-2020. Trên cơ sở đó, sẽ chỉ đạo các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề ở cơ sở để định hướng, giúp đỡ các hộ có thể giảm nghèo; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo. Với các hộ dân chủ động đăng ký thoát nghèo sẽ được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ và mô hình sản xuất phù hợp, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.