Nếu so sách, trong 5 xã, thị trấn mới sáp nhập về T.P Thái Nguyên duy chỉ có thị trấn Chùa Hang (nay là phường Chùa Hang) mặt bằng thu nhập của người dân là khá hơn cả, các xã còn lại chủ yếu sản xuất nông nghiệp thuần túy, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn. Nhằm hỗ trợ các xã phát triển, T.P Thái Nguyên đang tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khảo sát điều kiện của các xã để có phương án, cơ chế hỗ trợ thích hợp.
Ngày 1-10-2017 các xã, thị trấn: Sơn Cẩm (Phú Lương); Linh Sơn, Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ); Đồng Liên (Phú Bình) chính thức sáp nhập về T.P Thái Nguyên. Theo đó, thành phố hiện có 32 đơn vị hành chính cấp xã, phường; với diện tích tự nhiên là 222,93 km2.
Qua khảo sát cho thấy, trong 5 đơn vị hành chính được sáp nhập về T.P Thái Nguyên duy chỉ có phường Chùa Hang hiện nay mức thu nhập trung bình của người dân là khá hơn cả, các xã còn lại mức thu nhập chưa ngang bằng với mức thu nhập chung của người dân trên địa bàn. Nhằm thúc đẩy các xã phát triển, ngay sau khi sáp nhập về thành phố, T.P Thái Nguyên đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với đại diện nhân dân các xã, phường mới chuyển về và đề đạt nhiều tâm tư, nguyện vọng.
Ông Nguyễn Chu Việt, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn chia sẻ: Là xã thuần nông, sau nhiều năm phấn đấu xã Linh Sơn đã về đích nông thôn mới (NTM), bà con nông dân sản xuất được nhiều mặt hàng nông sản như: ổi, táo, rau xanh… nhưng hiện nay do không có chợ, người dân phải gồng gánh bán ở khắp mọi nơi, không cố định. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo T.P Thái Nguyên quan tâm đến vấn đề này, sớm quy hoạch điểm chợ đầu mối để người dân trong xã có nơi tiêu thụ hàng hóa nông sản. Nhân dân xã Huống Thượng, Đồng Liên, Sơn Cẩm cũng kiến nghị T.P Thái Nguyên cần có cơ chế hỗ trợ sản xuất thường xuyên như: hỗ trợ giống lúa lai, giống cây trồng vụ đông; kinh phí tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Người dân các xã cũng mong muốn được đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh hoàn hệ thống kênh mương vì hiện nay hệ thống kênh mương ở nhiều nơi đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn…
Ông Mã Quốc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Các xã mới sáp nhập về T.P thái Nguyên hiện đều đã đạt chuẩn các tiêu chí về nông thôn mới (NTM), song trên thực tế, điều kiện phát triển sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay các xã mới sáp nhập, giá trị sản xuất nông nghiệp mới chỉ đạt khoảng trên 80 triệu đồng/ha/năm nhưng các xã thuần nông khác trên địa bàn thành phố đã đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Thêm vào đó, tại các xã này sản xuất nông nghiệp còn manh mún, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Ông Hùng cho rằng, để phát triển kinh tế, các xã cần phải chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các điều kiện để phát triển sản xuất cũng cần phải được đầu tư thỏa đáng.
Để thúc đẩy các xã mới sáp nhập về thành phố phát triển, ngay từ đầu năm 2018, trong phương án sản xuất nông nghiệp của thành phố, địa phương đã có những ưu tiên: hỗ trợ giá giống lúa chất lượng, cấy tập trung cho nông dân, ngoài chính sách hỗ trợ chung của tỉnh cho nông dân là 15.000 đồng/sào, thành phố đã hỗ trợ thêm 15.000 đồng/sào để đảm bảo ngang bằng với mức hỗ trợ chung đối với các huyện hiện nay là 30.000 đồng/sào; triển khai vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩnVietGap (5 ha) tại xã Huống Thượng; ưu tiên cho các xã được đăng ký trồng giống ngô chuyển gien theo chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh…
Hiện nay, thành phố cũng đang tiến hành khảo sát thực trạng cơ sở vật chất tại của các xã mới sáp nhập để có phương án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp thích hợp. Thành phố đang chỉ đạo các phòng, ban chức năng khảo sát toàn bộ hệ thống kênh mương tưới tiêu của các xã: Sơn Cẩm, Huống Thượng, Linh Sơn, Đồng Liên để có kế hoạch đầu tư, nâng cấp trong thời gian tới. Đối với các công trình phục lợi khác như các tuyến đường giao thông nông thôn chưa đạt chuẩn NTM, thành phố cũng sẽ có phương án đầu tư, mở rộng, nâng cấp để đảm bảo tiêu chí về NTM giai đoạn 2017-2020. Đặc biệt đối với việc làm đường giao thông nông thôn, thành phố tiếp tục áp dụng cơ chế 70/30 (Nhà nước đầu tư 70% kinh phí; người dân đối ứng 30%) thay vì các xã mới sáp nhập trước đây khi làm đường Nhà nước chỉ đầu tư xi măng còn người dân phải chịu toàn bộ chi phí còn lại.