Vùng đất xã Vô Tranh (Phú Lương) nổi tiếng nhờ có sản phẩm chè. Mà cây chè trở nên có thương hiệu đều nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của bà con nông dân nơi đây. Minh chứng là thông qua những lần tỉnh, huyện tổ chức liên hoan trà, lễ hội vinh danh các làng nghề chè, xã đều giành được giải cao trong cuộc thi chế biến chè ngon, giành Cúp vàng về văn hóa trà... Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh tự hào kể với chúng tôi về quê hương mình như vậy.
Vào thăm gia đình ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Làng nghề chè Vô Tranh, câu chuyện giữa chủ và khách về vấn đề phát triển cây chè trên vùng đất này nhanh chóng trở nên cởi mở, cuốn hút. Ông Đức cho biết: Từ năm 2011 đến nay, gia đình tôi đã dành hẳn khu vực sân trước nhà để du khách ngồi thưởng trà miễn phí. Còn trong gian phòng khách của gia đình, toàn bộ sàn nhà được lát bằng gỗ và bày trí các bàn trà đóng bằng tre mộc cho khách thân quen ngồi thưởng ẩm. Hiện nay, người dân trong xã đã làm được hàng chục sản phẩm chè khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là chè xanh, chè móc câu, giá bán thì tuỳ loại, thấp nhất là 100.000 đồng/kg, cao nhất 300.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Xuyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Hiện nay, xã có gần 2.370 hộ, 8.760 nhân khẩu ở 25 xóm, trong đó trên 90% số nhân khẩu có nguồn sống từ cây chè. Vô Tranh là vùng đất có cây chè từ lâu đời. Qua bao phen lận đận trồng rồi chặt, chặt lại trồng, nhưng rốt cuộc thì chè vẫn là loại cây thủy chung với người dân sở tại. Đến nay, hầu hết những diện tích đất trồng các loại cây khác kém hiệu quả đều được bà con chuyển sang trồng chè, chủ yếu là các loại chè cành giống mới cho năng suất, chất lượng cao...
Vừa sau cơn mưa đầu hạ, bầu trời trở nên quang mây, nắng bắt đầu buông ánh vàng gọi chè nảy búp. Đi bên từng đồi chè hình bát úp, tôi cũng như rất nhiều du khách về đây, vãn cảnh vùng chè chợt háo hức khi nhận ra từ phía xa ngái một chân cầu vồng, và thấp thoáng bóng sơn nữ đang mê mải lùa đôi bàn tay như múa, miệt mài gom búp chè xanh. Ấy mới là bàn tay Vàng. Tôi nghĩ như thế và cho rằng: Đó là cơ sở thực tế để tỉnh xây dựng vùng chè xã Vô Tranh là một trong những điểm tham quan. Đồng chí Nguyễn Đức Khuê, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện nông dân trong xã đang làm chủ 680ha chè, năng suất đạt 100 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 6.800 tấn, sau chế biến đạt 1.300 tấn chè búp khô các loại. Với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg, thì mỗi năm cây chè mang lại cho nông dân trong xã số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Ở Vô Tranh, hỏi chuyện ai là người làm chè giỏi, bà con nông dân trong vùng đều nhắc ngay đến tên các ông: Nguyễn Trung Hải, Nguyễn Văn Sơn, xóm Trung Thành 1; Phạm Văn Đông, xóm Liên Hồng 8. Hiện hộ ông Hải có 8.000m2 đất chè, thu hoạch được 1,6 tấn chè búp khô/năm; hộ ông Sơn có 10.000m2 đất chè, thu hoạch được 2,2 tấn chè búp khô/năm; hộ ông Đông có 6.000m2 đất chè, thu hoạch được 1,2 tấn chè búp khô/năm. Đây là những chủ hộ có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè và hăng hái cùng nông dân trong vùng xây dựng thương hiệu chè Vô Tranh. Đó là một thú vị chúng tôi nhận ra được ở vùng chè này, chỉ cách đây hơn 10 năm về trước, giá chè búp khô của nông dân chỉ bán được với giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg. Giá chè luôn thấp, vì người trồng chè chưa chú tâm tới kỹ thuật chăm bón, chế biến, nhiều hộ chỉ thực hiện công đoạn sao, vò rồi mang chè tãi mỏng ra sân phơi khô, bán. Vì thế năng suất chè đạt cao, nhưng giá thành cực thấp. Ông Đoàn Đức Chuyền, xóm Thống Nhất 3 cho biết: Gia đình tôi có hơn 7.000m2 đất trồng chè. Làm lụng mồ hôi mục áo mà chưa giàu. Tất cả cùng vì cách chế biến chè thô sơ đã làm mất đi giá trị thực của cây chè.
Chuyện sản phẩm chè khó bán, hoặc bán được giá thấp đã “khép lại” về quá khứ. Ông Hoàng Công Khuê, Trưởng xóm Thống Nhất 3, một trong những nông dân năng động trong làm chè nói tự tin: Để sản phẩm chè Vô Tranh bán được giá như hôm nay, là cả một quá trình dài cho mỗi người dân thay đổi được nhận thức, hướng đến sản xuất chè chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Còn bà Chu Thị Hường, xóm Trung Thành 2 cho biết: Gia đình tôi có gần 2.000m2 đất trồng chè, mỗi năm thu hái, chế biến được gần 1 tấn chè búp khô. Cũng như các hộ trồng chè trong vùng, chè của gia đình tôi được tư thương vào tận nhà đặt mua, trả giá theo từng thời điểm.
Để sản phẩm chè có thị trường tiêu thụ ổn định, người Vô Tranh vận động nhau thành lập các làng nghề chè, rồi HTX làng nghề chè, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP. Các làng nghề, tổ hợp tác, HTX và các hộ trồng chè Vô Tranh đều thực hiện nghiêm túc cam kết sản xuất đảm bảo môi trường. Bà Tống Thị Hương, xóm Liên Hồng 8, người từng đoạt Huy chương Vàng về Văn hóa trà tại Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam năm 2013 tự hào: Người Vô Tranh đã “tìm ra bí quyết” nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè bằng thực hiện sản xuất chè VietGAP, không chạy theo số lượng sản phẩm, mà đầu tư có chiều sâu cho việc trồng, chăm sóc, chế biến.
Chiều muộn, mặt trời trốn xuống ngọn núi Điệng, ánh hoàng hôn dội lại từ chân trời phía Tây một sắc hồng ấm áp. Một lần nữa trong ngày tôi nhận ra vùng đất Vô Tranh rất đẹp bởi những nương chè thoải dài nối tiếp nhau chạy tít tắp đến chân núi phía xa. Và thấp thoáng trong hoàng hôn, những sơn nữ nón lá, miệng cười giòn trao nghiêng cả trời chiều.