Chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa

16:59, 11/06/2018

Theo kết quả giám định số 94, ngày 20/4/2018 của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc, trên địa bàn tỉnh ta có 1 mẫu lúa tại xã Nam Tiến (T.X Phổ Yên) bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Đây là một bệnh rất nguy hiểm, có khả năng làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng, hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể hạn chế thiệt hại bằng các biện pháp phòng ngừa sớm, tiêu huỷ nguồn bệnh, diệt trừ môi giới truyền bệnh.

Hiện đang là thời điểm bà con nông dân trong tỉnh tập trung làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Vì vậy, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, không để lây lan bệnh sang cây lúa vụ mùa 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có văn bản hướng dẫn bà con cách phòng trừ.

Cụ thể, sau khi thu hoạch lúa, bà con cần cày vùi gốc rạ ngay, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương nước, tiêu hủy lúa chết còn sót để hạn chế nguồn bệnh. Trong giai đoạn chuẩn bị gieo cấy - mạ, nếu phát hiện bệnh lùn sọc đen trên cây mạ bà con tiến hành tiêu hủy toàn bộ và gieo mạ khác thay thế.

Gieo cấy tập trung, đồng loạt trên cùng cánh đồng theo khung thời vụ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ lúa ít nhất 20 ngày. Đối với lúa trong giai đoạn trước đứng cái, bà con cần tích cực thăm đồng, nếu phát hiện có 30% số dảnh bị bệnh thì phải tiêu hủy ngay cả ruộng lúa bằng cách cày vùi để diệt mầm bệnh và gieo cấy lại nếu còn kịp thời vụ.

Đối với lúa từ giai đoạn đứng cái trở đi, nếu ruộng lúa bị bệnh ở mức độ nhẹ và rải rác thì tiến hành nhổ và tiêu hủy cây lúa, bụi lúa bị bệnh, phun thuốc trừ rầy lưng trắng. Nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thì phải khoanh vùng và tiêu hủy bằng cách cày vùi cả ruộng; trước khi cày phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để hạn chế lây lan nguồn bệnh sang ruộng khác.