Văn Lăng, xã có đỉnh núi cao nhất; giao thông khó khăn nhất và là một trong những xã có số hộ nghèo cao nhất của huyện Đồng Hỷ. Với hơn 1.300 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu thì có gần 600 hộ nghèo (44,9%). Và trong tổng số 16 xóm, thì 5 xóm được liệt vào danh sách đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: 16 xóm của xã được phân bổ dọc theo hai bờ sông Cầu. Nhưng sông sâu, rất khó khăn cho việc xây dựng các công trình thủy lợi. Việc sản xuất của nông dân cơ bản phụ thuộc vào thiên nhiên.
Sản xuất nông nghiệp cực kỳ quan trọng là nguồn sinh thủy. Nhưng với xã Văn Lăng, Sông Cầu chạy dọc xã, song dòng nước ở dưới sâu thẳm bởi nhiều đoạn vực cao, nên ruộng, bãi bên bờ thấy nước mà chịu khát. Ông Dương Văn Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện 3 xóm: Tam Va, Văn Lăng và xóm Mong có kênh mương dẫn thủy nhập điền. 13 xóm còn lại đành “Trông trời, trông đất, trông mây”, hằng năm phải đợi mưa xuống mới tra hạt ngô, hoặc làm đất cấy 1 vụ lúa không chắc ăn.
Chúng tôi lên xóm Bản Tèn, nơi có những ngôi nhà của đồng bào Mông tựa vào lưng ngọn núi cao nhất của huyện. Đã sang những ngày đầu tháng Sáu, nhưng tiết trời mát mẻ, thỉnh thoảng lại có đám mây trắng ùa xuống “làm dáng” khiến bà con nhắc nhớ lại hồi tháng Ba năm nay, xóm được huyện Đồng Hỷ chọn làm nơi tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Mông”. Du khách thập phương đổ về chứng kiến những nét đẹp văn hoá, các môn thể thao truyền thống và thỏa sức ngắm hoa tam giác mạch.
Nghe tiếng khèn, đi giữa bạt ngàn hoa, hít thở không khí trong lành, nhìn sâu thẳm dưới chân núi có dòng sông Cầu nước xanh màu lam, nhiều người bảo: Bản Tèn là một trong những vùng đất đáng đến. Ông Dương Văn Tình, Trưởng xóm bảo: Từ nhiều năm rồi, Bản Tèn là địa chỉ cho người trên cả nước tìm đến, nhưng là để giúp đỡ bà con giảm bớt khó khăn. Bản thân tôi cũng không nhớ đã có bao nhiêu bàn tay chìa ra giúp người dân Bản Tèn, nhưng tôi và bà con ở đây đều nhớ việc Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo tiền làm nhà; xây cầu cho bà con qua sông; làm đường lên trung tâm xóm; gần đây nhất, đầu năm 2017 điện Quốc gia ngược núi về với dân Bản Tèn. Vẻ suy nghĩ, ông Tình tiếp tục câu chuyện: Nhà nước cho dân Bản Tèn nhiều lắm, nhưng hơn 100 hộ của xóm (100% số hộ) đều chưa thoát nghèo.
Rời xóm Bản Tèn, chúng tôi đến xóm người Mông Khe Cạn, gặp bên nương chè bà con đang í ới chuyện mùa vụ. Ông Hoàng Văn Bình, Trưởng xóm cho biết: Người Mông mình thấy được cái hay thì làm theo. Như việc trồng cây chè, từ hơn 10 năm về trước, Nhà nước hỗ trợ cho các hộ: ông Hoàng Văn Mùi, ông Hoàng Văn Lầu và ông Hoàng Văn Vụ trồng chè (3 hộ trồng chè đầu tiên của xóm). Khi thấy có chè bán được tiền, bà con mới bảo nhau chuyển đổi những khoảnh đất dốc sang trồng chè. Đến nay, hầu hết các hộ trong xóm đều trồng chè và có chè bán. Nhà có nhiều đất trồng chè nhất vẫn là hộ ông Mùi, ông Lầu và ông Vụ, trung bình mỗi hộ có gần 10.000 m2 đất chè. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên năng suất chè 1 sào đạt 10kg khô/lứa, giá bán 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.
Chuyện làm ăn, bà Hoàng Thị Sông cho biết: Trong xóm, nhà nào cũng có đất trồng ngô, trồng lúa và trồng chè. Nhưng nhà nào cũng ở diện kinh tế khó khăn. Có mặt ở đó, bà Nguyễn Thị Bần cho hay Gia đình tôi có 10 sào đất, thập cẩm đủ cả ngô, lúa, chè, vì kinh tế gia đình khó khăn, năm 2017 gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cho cái máy cày. Còn ông Hoàng Văn Mầu nói: Năm 2017, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 5 kg ngô giống mới và hơn 2 tạ phân bón. Do thực hiện đúng quy trình làm đất, tra hạt, chăm sóc, ruộng ngô phát triển tốt, năng suất đạt 44 tạ/ha. Ông Hoàng Văn Giận kể: Từ năm 2015, gia đình tôi được vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội để mua trâu kéo. Năm 2017 bán trâu được hơn 40 triệu đồng. Vì nhà cũ nát, nên tôi đã dành toàn bộ số tiền này để làm lại nhà ở.
Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm đồng, ông Vũ Đại Lâm, cán bộ khuyến nông, Trạm Khuyến nông huyện được tăng cường về xã cho biết: Bằng cách “cầm tay, chỉ việc”, xây dựng mô hình, bà con dần có thêm kinh nghiệm sản xuất, đời sống của bà con cũng vì thế dần được ổn định hơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã còn cao, gần 780 hộ, chiếm 60% tổng số hộ của xã. Năm 2017, mức thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm.
Để người dân xã Văn Lăng thoát khó nghèo, trong những năm gần đây, Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân về vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật sản xuất. Bằng cách này, nhiều gia đình đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế hộ. Điển hình như gia đình ông Dương Văn Tường, xóm Vân Khánh, đã làm công trình thủy lợi nhỏ dài hơn 100 m để dẫn nước về cấy lúa. Ông Tường bảo: Trước đây, 10 sào ruộng của gia đình cấy 1 vụ bấp bênh, do chủ động được nước tưới, nên từ 3 năm nay ruộng của gia đình cấy 2 vụ lúa chắc ăn. Còn ông Triệu Văn Long, xóm Đạt, nhờ mô hình nuôi dê đã thoát nghèo. Ông Long kể: Năm 2010, tôi mua được 5 con dê về nuôi. Dê lớn nhanh, mắn đẻ, dễ nuôi, có giá bán tại chuồng hơn 100.000 đồng/kg. Hiện tôi duy trì tổng đàn trên 40 con. Mỗi năm bán dê thương phẩm được hơn 100 triệu đồng. Rồi như gia đình chị Lý Thị Phênh, xóm Khe Cạn, do trồng chè, trồng ngô, trồng lúa đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, nên chè, ngô, lúa đều cho năng suất cao. Không chỉ đủ ăn mà gia đình chị Phênh còn có tiền giúp đỡ một số hộ khó khăn trong vùng.
Bao giờ xã Văn Lăng hết nghèo? Câu hỏi ấy cứ day dứt trong tôi trên suốt dọc đường về. Rồi tôi lại tự nhủ: Chắc không xa, vì người dân xã Văn Lăng đã có nhiều đổi mới trong tư duy sản xuất.