Cơ hội cho phát triển cây ăn quả

10:23, 05/06/2018

Ngày 6-1-2017, Chính phủ ban hành Nghị đinh số 01 sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó đã bổ sung nhiều quy định cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Đến nay, chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã mở ra cho người dân Thái Nguyên rất nhiều cơ hội để đầu tư phát triển các loại cây ăn quả.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trước đây, theo Thông tư số 47 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014), hướng dẫn việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản, thì chỉ được phép chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm (chủ yếu là các loại cây màu). Bởi thế, khi Nghị định số 01 của Chính phủ ban hành, nhiều diện tích đất trồng lúa được phép chuyển đổi sang trồng cây lâu năm như cây chè, một số loại cây ăn quả sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với cấy lúa và trồng các loại cây màu.

Thời gian qua, cùng với việc tích cực chuyển đổi đất cấy lúa một vụ sang trồng cây hằng năm, tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng cây lâu năm. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã chuyển đổi 25 ha đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng ngô tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hoá, Phú Bình và T.X Phổ Yên; chuyển đổi 20 ha sang trồng dưa hấu, dưa bở, dưa chuột, củ đậu, ngô ngọt tại các huyện Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ. Đặc biệt, tỉnh ta đã chuyển sang 335 ha trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả  như bưởi, cam, quýt, na tại các huyện Võ Nhai và Phú Lương. Bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên (Võ Nhai) cho hay: Trước đây, chúng tôi rất lúng túng khi một số hộ dân đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện để chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (na, nhãn, ổi...). Từ khi Nghị định số 01 có hiệu lực, chúng tôi đã có cơ sở để xem xét nguyện vọng của bà con.

Lâu nay, La Hiên luôn được xem là “vựa” cây ăn quả của tỉnh với hơn 230 ha na và gần 100ha cây ăn quả các loại như ổi, nhãn, bưởi, cam... Trong đó, na là loại cây ăn quả rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Không chỉ cho năng suất cao, trái na La Hiên còn có vị ngọt thanh khiết mà na trồng ở các vùng đất khác không có nên được thị trường rất ưa chuộng. Do đó, nhu cầu chuyển đổi diện tích đất trồng lúa một vụ sang trồng na của người dân ở La Hiên rất cao. Trước đây, 1 ha lúa một vụ chỉ cho thu hoạch khoảng 34 đến 40 tạ thóc, giá trị thu được đạt từ 28 triệu đến 30 triệu đồng/năm. Nhưng khi chuyển đổi sang trồng na hoặc nhãn chỉ trong vòng từ 3-5 năm đã cho thu hoạch trên dưới 200 triệu đồng/ha.

Không chỉ riêng ở La Hiện, mà ở nhiều địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển cây ăn quả trong tỉnh như Tiên Hội, Bản Ngoại (Đại Từ); Tràng Xá, Lâu Thượng, Phú Thượng, La Hiên (Võ Nhai); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương)..., nhu cầu chuyển đổi đất cấy lúa một vụ sang trồng cây ăn quả rất cao. Anh Lê Văn Hoàng, một hộ dân ở xóm Tiên Trường 3, xã Tiên Hội (Đại Từ) nói: Được phép chuyển đổi một số diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chúng tôi rất phấn khởi. Tôi đang dự kiến chuyển đổi một một phần diện tích đất cấy lúa của gia đình sang trồng bưởi Diễn. Một sào trồng được khoảng 30 cây bưởi. Sau từ 3 đến 5 năm, mỗi cây cho khoảng 50 quả. Với giá bán từ 25 đến 40.000 đồng/quả như dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi sào bưởi sẽ cho thu từ 35 đến 50 triệu đồng. Trừ các loại chi phí, chúng tôi có lãi trên 20 triệu đồng/sào trở lên, cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa.

Có thể thấy, Nghị định số 01 của Chính phủ đã tạo ra bước đột phá về mặt hành lang pháp lí để cởi trói cho việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm, nhất là cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, các cấp, ngành chức năng của tỉnh vẫn cần có những lưu ý như: theo Điều 2 của Nghị định số 01 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai), việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định sau: Hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa với UBND cấp xã nơi có đất. UBND cấp xã nơi có đất xem xét quyết định loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi. Đặc biệt, việc chuyển đổi sang trồng cây lâu năm phải không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại, cũng như không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm của xã....