Thái Nguyên là một trong những địa phương dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về số công trình cấp nước và tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn đã được đầu tư có nhiều vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết để phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Được sự quan tâm của Trung ương, các tổ chức nước ngoài và với sự nỗ lực của tỉnh, trong 2 thập kỷ gần đây, việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, đáp ứng mục tiêu đề ra. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp - PTNT), giá trị đầu tư từ các chương trình của 221 công trình cấp nước (được đầu tư trong giai đoạn từ năm 1993 đến 2017) đang hoạt động ở các vùng nông thôn trong tỉnh lên đến trên 340 tỷ đồng. Những công trình này đi vào hoạt động đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số vùng khô hạn trong tỉnh do địa hình và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Cụ thể, sau nhiều năm phấn đấu của các cấp, ngành chức năng, nhất là Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, đến nay đã có trên 728.700 người dân nông thôn ở 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (tương ứng với 89% dân số nông thôn).
Công tác quản lý, vận hành, khai thác tại phần lớn trong số 221 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bước đầu đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả. Điều rõ nhất là các ngành chức năng của tỉnh đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành giá sử dụng nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn để từ đó cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp tuyên truyền người dân nông thôn sử dụng nước có trả tiền (một số ban quản lý vận hành công trình cấp nước nông thôn quy mô nhỏ có thu tiền sử dụng nước ở mức giá từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/m3 để chi trả cho người vận hành và sửa chữa nhỏ). Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã phối hợp với một số địa phương trong tỉnh được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã thành lập được mô hình tổ tự quản; HTX (điển hình nhất là HTX Nước sạch Mỹ Yên có doanh thu trên 230 triệu đồng/năm do thu tiền nước ở mức 3.000 đồng/m3, đủ để chi trả lương cho người quản lý vận hành, điện và sửa chữa nhỏ). Nguồn lực đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được xã hội hóa nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước thông qua chương trình tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước ở vùng sâu, vùng xa và một số cơ sở y tế, giáo dục)…
Tuy nhiên, việc cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở các vùng nông thôn trong tỉnh đang gặp hai vấn đề lớn. Thứ nhất, trong tổng số 221 công trình cấp nước sinh hoạt thì có lượng lớn công trình tuổi thọ trên 15 năm đã, đang xuống cầp, cần nguồn vốn đề nâng cấp, cải tạo, mở rộng mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân. Theo kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện trên địa bàn tỉnh có 29 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã đầu tư những năm trước đây cần nâng cấp, sửa chữa trong giai đoạn 2018-2020 với tổng kinh phí khoảng 27 tỷ đồng. Số kinh phí này cần được cân đối từ nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa bởi nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn không thu tiền sử dụng nước của người sử dụng nên dẫn đến không có kinh phí để đầu tư, sửa chữa thường xuyên. Ông La Chung, Giám đốc Trung têm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Nguồn thu từ dịch vụ nước sinh hoạt nông thôn năm 2017 mới đạt 9,4 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2018 đạt 5,2 tỷ đồng. Số kinh phí này chỉ đủ trả lương, bảo hiểm cho cán bộ, công nhân, tiền điện, hóa chất, sửa chữa nhỏ của các công trình do Trung tâm trực tiếp quản lý. Còn nhiều công trình cấp nước sinh hoạt quy mô nhỏ ở các địa phương hiện đã xuống cấp nhưng không có nguồn vốn nâng cấp, cải tạo nên có nguy cơ ngừng hoạt động trong những năm tới.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến nay đã có 89% dân số nông thôn trong tỉnh có đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh sử dụng và tỷ lệ tăng hàng năm đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Nghị quyết có 95% dân số nông thôn trong tỉnh đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào cuối nhiệm kỳ, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong công tác chuyên môn để hoàn thành dứt điểm các công trình cấp nước sinh hoạt đã được UBND tỉnh phê duyệt trong giai đoạn 2015-2020, quản lý hiệu quả các công trình được cấp có thẩm quyền giao quản lý. Đối với chính quyền 9 huyện, thành, thị trong tỉnh cũng phải tự cân đối ngân sách để kịp thời sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được đầu tư và có hình thức quản lý phù hợp để duy trì, phát huy hiệu quả.