Những năm qua, cùng với việc điều tiết tốt nguồn nước phục vụ sản xuất, các địa phương, đơn vị chức năng ở huyện Phú Lương đã chủ động triển khai thực hiện nhiều phương án nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ đập trên địa bàn trong mùa mưa bão. Trong đó đáng chú ý là Trạm khai thác thủy lợi huyện chủ động hạ bớt dung tích chứa của các hồ để phòng lũ.
Theo thống kê, Huyện Phú Lương hiện có 185 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho trên 2.600ha lúa, trong đó cấp tỉnh quản lý 7 công trình (5 hồ chứa, 2 đập dâng), cấp huyện quản lý 178 công trình (34 trạm bơm, 54 hồ, 90 đập dâng và các ao, đầm). Theo đánh giá, các công trình thủy lợi do huyện quản lý là những công trình vừa và nhỏ, phần lớn được xây dựng từ lâu, nhiều công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do mưa lũ, vẫn chưa được sửa chữa, nâng cấp. Qua kiểm tra, Phú Lương hiện có 17 công trình được đánh giá là mất an toàn trong mùa mưa bão, điển hình là hồ Thâm Quang (xã Hợp Thành), hồ Núi Mủn (xã Cổ Lũng); đầm Chân Chim (xã Tức Tranh), đập Đồng Chèn (xã Yên Trạch), hồ Thắm Chậc (xã Yên Trạch), hồ Ao Trúc (xã Phấn Mễ), hồ Suối Luông (xã Động Đạt). Bởi vậy, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, vật tư, nhân lực và phương án phòng chống chống lụt bão, bảo đảo an toàn cho các công trình thủy lợi, nhất là hồ, đập.
Trong số các hồ chứa, hồ Đồng Xiền (ở xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc) được đánh giá là công trình thủy lợi lớn của huyện. Công trình xây dựng từ năm 1991, đưa vào sử dụng năm 1995, được sửa chữa nâng cấp từ 2012-2013 với năng lực tưới thiết kế 105ha (tưới thực tế hiện nay 113,4ha). Khu vực thượng lưu hồ không có dân cư sinh sống, song cách hạ lưu chân đập từ 20 - 600m có nhiều hộ dân sống rải rác trên các sườn đồi cả bên tả và hữu đập. Sau cánh đồng, cách chân đập khoảng 1.000m là cụm dân cư sống tập trung trên một bãi đất thấp, số hộ dân này có thể bị ảnh hưởng nếu công trình xảy ra sự cố. Bởi vậy, bảo vệ an toàn cho hồ là nhiệm vụ được Trạm Khai thác thủy lợi Phú Lương và UBND xã Phấn Mễ rất quan tâm. Hằng năm, Trạm đều xây dựng phương án phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và Phương án xử lý sự cố kỹ thuật riêng cho hồ Đồng Xiền. UBND xã Yên Lạc cũng kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT - TKCN). Để đảm bảo cho công tác phòng chống lụt bão năm nay, Trạm khai thác thuỷ lợi huyện Phú Lương chuẩn bị một số dụng cụ, vật tư ban đầu gồm: 1.000 bao tải, 30 cuốc bàn, 20 xẻng, 3 xa beng...
Cùng với hồ Đồng Xiền, hồ Làng Hin (xã Phấn Mễ) cũng là công trình chứa nước lớn. Công trình được xây dựng từ năm 1979, sửa chữa nâng cấp vào năm 2001 và 2012 - 2013, có khả năng tưới nước cho 129,7ha lúa và hoa màu. Ông La Văn Tuấn, cán bộ trực tiếp quản lý hồ Làng Hin cho biết: Với tính chất, đặc thù của công trình, trong phương án xử lý kỹ thuật phòng chống lụt bão, chúng tôi đã dự kiến tình huống sự cố nguy hiểm có thể xảy ra là xuất hiện bãi sủi và khe nứt ở chân mái hạ lưu đập. Lúc đó, chúng tôi sẽ mở van hết cỡ để xả bớt một phần lượng nước trong hồ qua cống. Lập tức đưa phát tin trên phương tiện loa truyền thanh, phát lệnh báo động để huy động nhân lực và các phương tiện phòng chống lụt bão tới hiện trường. Chúng tôi dự kiến sẽ huy động khoảng 3 máy xúc, 6 ô tô tải và 200 người tham gia ứng cứu khi hồ xảy ra sự cố...
Ông Lê Đăng Tâm, Trạm trưởng Trạm khai thác thủy lợi Phú Lương cho biết thêm: Để đảm bảo an toàn cho các hồ đập, ngay từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình trước mùa mưa bão; phối hợp với BCH PCTT - TKCN các xã, thị trấn xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý kỹ thuật phòng chống lụt bão cho từng công trình. Cùng với đó, đơn vị đã chủ động thực hiện hạ bớt trước dung tích của từng hồ để phòng lũ. Đồng thời, đơn vị còn bố trí cán bộ, nhân viên trực 24/24h ở các hồ khi có diễn biến bất thường về thời tiết như: bão, áp thấp nhiệt đới hay mưa lớn kéo dài... Đối với một số sự cố thường xảy ra ở các công trình như: nước tràn qua đỉnh đập; nứt sạt trượt mái hạ lưu đập, mạch đùn, mạch sủi, bãi sủi, giếng phụt ở chân đập hạ lưu; lỗ rò, thấm mái đập hạ lưu..., Trạm đã lập phương án xử lý tình huống chi tiết và hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lý cho cán bộ, công nhân, người lao động trực tiếp làm công tác quản lý tại công trình.
Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho hay: Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, hằng năm, UBND huyện đều huy động, lồng ghép các nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ. Đơn cử như cuối năm 2017, UBND huyện đã tập trung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để sửa chữa, nâng cấp hồ Suối Mạ (xã Yên Trạch) với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng; hồ Ông Xã (Phấn Mễ) với kinh phí 580 triệu đồng... Ngay từ đầu năm, huyện đã thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn. Qua đó, huyện đã đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình có khă năng mất an toàn trong mùa mưa bão.
Với sự chuẩn bị tích cực về nhân lực, vật lực và với các phương án phòng chống lụt bão của Trạm Khai thác thủy lợi, BCH PCTT -TKCN cấp huyện, xã, thị trấn, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện sẽ được bảo vệ an toàn trong mùa mưa bão.