Những ngày qua, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Đối với tỉnh Thái Nguyên, mặc dù không bị thiệt hại nặng song công tác phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất luôn được các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai. Theo dự báo, trong hai ngày 26 và 27-6, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông trên diện rộng, có khả năng xảy ra sét, lốc xoáy, gió giật mạnh, xuất hiện lũ lên nhanh, chảy xiết trên các sông, suối và tình trạng sạt lở đất tại các địa phương miền núi, vùng cao. Vì thế, chúng ta không thể chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết.
Định Hóa là huyện miền núi giáp ranh với huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), thường có lũ lớn đổ về bất ngờ và khó lường trên các sông, suối, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Öng Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Trong những ngày mưa bão, chúng tôi luön coi trọng tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin và chỉ đạo ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, huyện cũng đã tổ chức kiểm tra, rà soát các thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tiếp nhận và mua sắm xuồng cứu hộ, cấp phát biển cảnh báo đặt tại các cầu tràn hoặc vị trí nguy hiểm khi thiên tai xảy ra; cấp phát phao cứu sinh, áo phao, dây phản quang để các xã, thị trấn chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại sông suối trong những ngày mưa lũ...
Còn tại huyện vùng cao Võ Nhai, khi có thöng tin về mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã kịp thời thông báo đến các xã, thị trấn, các đơn vị đóng chân trên địa bàn về diễn biến mưa bão; đồng thời, chỉ huy lực lượng cơ động, dân quân tự vệ sẵn sàng ứng cứu các địa bàn xung yếu. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Các công trình trọng điểm như hồ Quán Chẽ, hồ Lòng Thuyền, hồ Cây Hồng, đập Suối Bùn và các khu vực trọng điểm như thị trấn Đình Cả, các xã: La Hiên, Tràng Xá, Bình Long, Dân Tiến... thường xuyên được kiểm tra, đánh giá chất lượng và an toàn công trình nhằm phát hiện những hư hỏng và kịp thời sửa chữa. Các địa phương trên địa bàn huyện cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, tu sửa ao cá và các công trình phụ trợ nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 26 đến 27-6, các khu vực trong tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông trên diện rộng, cảnh báo trong cơn dông có khả năng xảy ra sét, lốc xoáy và gió giật mạnh. Ngoài 2 huyện Định Hóa, Võ Nhai, tại các địa phương khác như Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương... cũng có khả năng xuất hiện lũ lên nhanh, chảy xiết ở các sông, suối nhỏ và cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Trước những diễn biến tình hình thời tiết, ngay sau khi nhận được Công điện số 06/CĐ-TW hồi 15 giờ ngày 24/6/2018 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, đồng thời nhận được tin cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ban hành Công điện số 93/CĐ-BCH hồi 15 gờ 30 phút ngày 25/6/2018 về việc chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai phục vụ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia nùm 2018; tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình liên quan đến PCTT như đê điều, hồ đập, công trình phục vụ sơ tán dân và hệ thống điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, các tuyến đường giao thông trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn... Cùng với đó, tổ chức khơi thông, giải phóng các vật cản trên các sông, suối, ngòi, cống tiêu thoát nước bảo đảm thoát lũ. Chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra trên địa bàn quản lý nhằm chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra như mưa lớn, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt. Đặc biệt đối với các khu vực, công trình như: Mỏ sắt Trại Cau, cột phát thanh và truyền hình tỉnh, mỏ than Phấn Mễ, Khánh Hòa; Núi Tán, xã Cù Vân (Đại Từ); tuyến Quốc lộ 3C từ Km9+900 đến Km10 thuộc xóm Đồng Mon, xã Trung Hội (Định Hóa); các công trình đang thi công trên bờ hữu sông Cầu thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu tỉnh Thái Nguyên phải có phương án phòng, chống lụt bão cụ thể, chi tiết.
Hiện nay đã bước vào mùa mưa lũ, để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong PCTT. Cùng với đó, tránh tư tưởng chủ quan, nâng cao ý thức phòng, tránh khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt đối với các loại hình thiên tai như sét, lũ quét… Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai qua các nguồn thông tin chính thống như truyền hình, truyền thanh, qua các trang web của các cơ quan đáng tin cậy; tránh các nguồn thông tin không chính thống, chia sẻ trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận.