Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, từ tháng 3 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (đều trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) đã chấm dứt toàn bộ hợp đồng kiểm lâm làm chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này khiến lực lượng kiểm lâm gặp những khó khăn nhất định và buộc phải có những giải pháp kịp thời, phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thời điểm này số người của Chi cục đã giảm 62 so với biên chế được giao năm 2016 (hiện còn 207 người). Nguyên nhân là do thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NDĐ-CP của Chính phủ, chấm dứt hợp đồng lao động theo chỉ đạo của tỉnh và đặc biệt là từ ngày 1-3 vừa qua, Chi cục đã đồng loạt chấm dứt hợp đồng quản lý bảo vệ rừng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ với 38 người. 11 đơn vị trực thuộc Chi cục (8 hạt kiểm lâm cấp huyện, 2 ban quản lý rừng và 1 đội kiểm lâm cơ động) đều bị giảm quân số. Vì vậy, căn cứ vào các quy định hiện hành thì số lượng kiểm lâm bị thiếu hụt để bố trí phụ trách địa bàn các xã có rừng của tỉnh là 30 người, cùng với đó, cả Chi cục còn thiếu 6 kế toán.
Số mới bị chấm dứt hợp đồng kiểm lâm đều là những người trẻ có trình độ từ đại học trở lên, có sức khỏe và được đào tạo đúng chuyên ngành, sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật. Trong khi đó, số cán bộ, công chức, viên chức của Chi cục Kiểm lâm có độ tuổi từ 55 đến dưới 60 hiện chiếm tới 25,6% và phần lớn chỉ có trình độ trung cấp, năng lực công tác, nhất là việc áp dụng các thiết bị công nghệ vào công việc còn hạn chế. Do đó, việc đồng loạt chấm dứt hợp đồng kiểm lâm với 38 người từ tháng 3 vừa qua là một sự “hẫng hụt” đối với các đơn vị kiểm lâm, tạo thêm những khó khăn, vất vả và áp lực nhất định trong thực hiện nhiệm vụ. Mật độ, số người tham gia tuần tra bảo vệ rừng bị giảm, khi một kiểm lâm viên phải phụ trách địa bàn quá rộng (có người phu trách 4 xã) thì việc phát hiện, xử lývi phạm vàtham mưu cho chính quyền địa phương sẽ bị hạn chế.
Cũng như Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện chính sách tinh giản biên chế và chấm dứt hợp đồngbảo vệ rừng, lực lượng của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (gọi tắt là Ban Quản lý) giảm 27 người so với biên chế được giao năm 2016 (20 người bị chấm dứt hợp đồng từ tháng 3 vừa qua). Như vậy, số biên chế hiện có của Ban chỉ còn 36 người, trong đó có 21 kiểm lâm làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tận gốc được bố trí cho các trạm, chốt và Tổ kiểm lâm cơ động. Căn cứ vào nhiệm vụ của Ban được giao là quản lý, bảo vệ xấp xỉ 20.000ha rừng đặc dụng thì số người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng bị thiếu so với quy định hiện hành là 19 (theo Nghị định 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, định biên tối đa 500ha rừng đặc dụng có 1 công chức kiểm lâm).
Anh Nguyễn Quang Mừng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cúc Đường chia sẻ: Trạm quản lý, bảo vệ gần 5.000ha rừng đặc dụng thuộc xã Cúc Đường và xã Thượng Nung. Nếu đúng quy định về định mức thì Trạm cần 10 kiểm lâm viên nhưng hiện chỉ có 3 người (4 người mới bị chấm dứt hợp đồng). Mặc dù đã được Ban tăng cường (không thường xuyên) thêm 2 người từ bộ phận Văn phòng xuống hỗ trợ nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Anh em rất ít khi có một ngày nghỉ trọn vẹn trong tuần mà đều phải căng sức làm việc…
Trước thực tế này, Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý đã kịp thời có những giải pháp, điều chỉnh để đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, ông Vũ Văn Phán cho biết: Chúng tôi chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh phối hợp một cách chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả hơn với địa phương và các ngành liên quan. Chi cục cũng đã cân đối, thực hiện điều đồng, bố trí thêm nhân sự cho các đơn vị thiếu nhiều, ưu tiên cho những “điểm nóng” có nguy cơ xảy ra phá rừngvà vận chuyển lâm sản trái phép. Giảm số lượng người làm hành chính, văn phòng để tăng cường lực lượng bảo vệ rừng tận gốc. Đồng thời, Chi cục đã đề xuất sáp nhập để giảm 3 trạm kiểm lâm địa bàn.
Cũng nhằm giảm thiểu những tác động khi phải chấm dứt một loạt hợp đồng kiểm lâm, Ban Quản lý đặc biệt coi trọng việc tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan và trong nội bộ của Ban. Nội dung các quy chế phối hợp giữa Ban với các xã và cơ quan liên quan của huyện Võ Nhai được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ và rõ ràng trách nhiệm hơn. Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban, khi kiểm lâm đề nghị, lãnh đạo các xã trong Khu bảo tồn đều cử lực lượng (chủ yếu là công an viên, cán bộ lâm pháp) tham gia trực, tuần tra và xử lý vi phạm kịp thời. Cùng với đó, Ban đã bố trí, sắp xếp lại nhân sự, giảm người tại những trạm, chốt không phải vùng trọng điểm để bổ sung cho nhưng nơi cần thiết hơn; giảm số người làm hành chính để tăng cường cho cơ sở. Lãnh đạo Ban cũng tích cực đi tuần tra, kiểm tra rừng hơn trước…
Được biết, cả Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý đã xây dựng đề án thuê khoán bảo vệ rừng trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Theo đó, số lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn bị thiếu theo định mức quy định sẽ được thay thế bằng các lao động hợp đồng thuê khoán bảo vệ rừng. Thiết nghĩ, việc tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng và sắp xếp lại tổ chức bộ máy của kiểm lâm như thực tế hiện nay là cần thiết và đúng tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII của Đảng. Tuy nhiên, vì người giảm nhưng khối lượng công việc không hề giảm nên lực lượng kiểm lâm phải luôn nỗ lực và trách nhiệm. Việc thuê khoán lao động bảo vệ rừng (nếu được tỉnh phê duyệt) cũng chỉ là một giải pháp, kèm với đó cần đẩy mạnh giao khoán rừng cho người dân; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng của cả cộng đồng./