Thực hiện Dự án trồng rừng theo Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Dự án 661), giai đoạn 2008 - 2010, người dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã trồng mới được 345,15ha rừng đặc dụng bằng cây keo. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng trồng này đã đến tuổi thu hoạch, tuy nhiên, người dân lại không được phép khai thác do vướng mắc về quy định bảo vệ rừng đặc dụng.
Vượt con đường với những dốc núi cheo leo và trơn trượt, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Ngọc Nho, xóm Khuổi Chao, xã Bảo Linh - một trong những hộ dân đầu tiên tham gia Dự án trồng rừng 661 tại Định Hóa. Sở hữu 21ha cây keo, toàn bộ được trồng trên đất rừng đặc dụng, ông Nho cho biết: Năm 2008, khi Nhà nước có chủ trương khuyến khích người dân trồng rừng theo Dự án 661, gia đình tôi đăng ký tham gia đầu tiên. Trong 3 năm đầu, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cây giống, tiền công trồng và chăm sóc với mức 2 triệu đồng/ha/năm. Rừng keo đã đến tuổi khai thác nhưng gia đình tôi vẫn chưa được hưởng thành quả. Nói rồi ông dẫn chúng tôi đến cánh rừng của gia đình mình. Chỉ tay về phía những cây keo có đường kính từ 35-40cm, ông bảo: “Rừng keo này đã đến tuổi thu hoạch từ lâu nhưng không được khai thác nên nhiều cây đã đã có hiện tượng bị rỗng thân, đổ gãy chỉ có thể mang về làm củi đun. Trước đây, khi tham gia Dự án 611 tôi cũng biết quy định rừng đặc dụng thì không được phép khai thác nhưng để cây chết như này thì rất lãng phí. Mặc dù sở hữu 21ha rừng nhưng nhiều năm qua, gia đình ông Nho vẫn thuộc diện cận nghèo bởi ngoài khoản tiền hỗ trợ ít ỏi trong 3 năm đầu tiên thì gia đình ông vẫn chưa được hưởng lợi gì từ những cánh rừng do chính tay ông vất vả trồng, chăm sóc và bảo vệ suốt nhiều năm qua. Theo tính toán, nếu được phép khai thác, mỗi héc ta rừng sẽ đem về cho gia đình ông Nho nguồn thu nhập từ 70-100 triệu đồng. Như vậy, chắc chắn cuộc sống gia đình ông sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Vui, xóm Bản Thoi, xã Bảo Linh có 4ha cây keo được trồng theo Dự án 661 nay đã đến tuổi thu hoạch nhưng vì cây trồng trên đất rừng đặc dụng nên gia đình ông không được phép khai thác. Ông Vui cho biết: Dự án trồng rừng 661 đã kết thúc từ năm 2010, từ đó đến nay, gia đình tôi vẫn tiếp tục chăm sóc và bảo vệ rừng nhưng chưa được hưởng lợi gì cả. Gia đình tôi có 6 nhân khẩu song chỉ có 2 sào ruộng cấy lúa nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Hiện nay, rừng keo đã quá tuổi khai thác, nhiều cây bị chết, đổ gãy rất lãng phí. Chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho người dân được khai thác những diện tích rừng do chúng tôi đã trồng, chăm sóc và bảo vệ nhiều năm qua để cải thiện cuộc sống.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, diện tích cây keo được trồng trên rừng đặc dụng theo Dự án 661 ở Định Hóa tập trung nhiều nhất ở xã Bảo Linh (229ha), tiếp đến là các xã: Bình Thành (14,8ha); Thanh Định (21,25ha); Phú Đình (68,2ha); Điềm Mặc (11,88ha). Sau khoảng 10 năm, cây keo đã đến tuổi cho thu hoạch. Tuy nhiên theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng quy định: “Đối với khu bảo vệ cảnh quan (rừng đặc dụng) chỉ được tác động, điều chỉnh, chặt cây tạo mật độ hợp lý để nuôi dưỡng rừng và tác động các biện pháp kỹ thuật khác để nâng cao giá trị thẩm mĩ của khu rừng”. Như vậy, có nghĩa là đối với rừng đặc dụng, người dân không được phép khai thác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Thực tế cho thấy, chủ trương đưa cây keo vào trồng trên rừng đặc dụng trước đây, đến nay đã có những bất hợp lý. Vì cây keo có vòng đời sinh trưởng ngắn (khoảng 7-10 năm), sau 7-10 năm nếu không khai thác, cây keo cũng sẽ tự chết gây lãng phí nguồn tài nguyên và gây thiệt thòi lớn cho người dân vì đã bỏ công sức trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng nhiều năm nhưng lại không được hưởng lợi. Chính vì vậy, việc người dân đề nghị được khai thác cây keo trên rừng đặc dụng là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Nếu việc khai thác được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy hoạch thì sẽ không làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của rừng đặc dụng hiện có.
Về vấn đề này, ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, cây keo đã không đáp ứng được yêu cầu về giá trị cảnh quan của rừng đặc dụng nên việc người dân đề nghị được khai thác để thay thế bằng các loại cây gỗ lớn khác là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, thẩm quyền cấp phép khai thác rừng đặc dụng thuộc về UBND tỉnh nên thời gian tới, để đảm bảo quyền lợi cho người trồng rừng, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành cơ chế đặc thù cấp phép cho người dân được khai thác những diện tích rừng đặc dụng trồng bằng cây keo theo phương án khai thác trắng từng lô, thửa (mỗi lô, thửa không được phép khai thác quá 2ha). Ngay sau khi khai thác sẽ yêu cầu người dân trồng rừng thay thế bằng những loại cây gỗ lớn như: Lim, lát, quế… để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến giá trị cảnh quan của rừng đặc dụng trên địa bàn. Trước mắt, trong thời gian chờ quyết định của UBND tỉnh, người dân cần tuân thủ nghiêm quy định, không được phép khai thác rừng đặc dụng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết những hộ trồng rừng trên địa bàn huyện Định Hóa đều sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đời sống kinh tế còn nhiều vất vả. Theo ước tính hiện nay, mỗi héc ta keo có giá trị kinh tế từ 70-100 triệu đồng. Đây sẽ là nguồn lợi kinh tế rất lớn giúp những hộ dân đang hằng ngày bám trụ với rừng có điều kiện xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, mong mỏi lớn nhất của những hộ tham gia trồng rừng theo Dự án 661 lúc này là được UBND tỉnh xem xét, sớm cấp phép khai thác những cánh rừng do chính tay họ trồng, chăm sóc và bảo vệ để cải thiện cuộc sống và yên tâm bám đất, bám rừng.