Nghiên cứu mô hình luân canh lúa (SRI) và Khoai tây

16:17, 22/06/2018

Ngày 22-6, Trung tâm hợp tác Quốc tế - Đại học Thái Nguyên phối hợp với UBND xã Tân Đức (Phú Bình) tổ chức Hội nghị tổng kết nghiên cứu mô hình luân canh lúa (SRI) và khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu (GPM). Dự hội nghị có PGS.TS Hoàng Văn Phụ, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Đại học Thái Nguyên, đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

SRI là phương pháp sản xuất lúa theo 5 nguyên tắc: Cấy mạ non, cấy thưa 1 dảnh; không thuốc hữu cơ, cào cỏ sục bùn; giảm phân vô cơ, tăng phân hữu cơ. GPM là trồng khoai tây tăng vụ theo phương pháp làm đất tối thiểu, sử dụng rơm rạ để phủ khi trồng khoai tây. Những lợi ích của phương pháp luân canh SRI và GPM được đánh giá như: tăng vụ, tăng hiệu quả sử dụng đất; giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị đầu ra; cung cấp sinh khối cho đất, đa dạng sinh học, rất thân thiện với môi trường;

Mô hình luân canh lúa SRI - khoai tây đã được áp dụng thử nghiệm qua 3 vụ: lúa mùa 2017; khoai tây vụ đông 2017 và lúa xuân 2018 tại cánh đồng Non Chương, xóm Viên, xã Tân Đức với 30 hộ dân tham gia. Bước đầu triển khai đã giúp người dân tiếp cận với mô hình, làm quen phương pháp canh tác sinh thái, thân thiện với môi trường… Tại hội nghị, các đơn vị đã tham gia thảo luận, đánh giá, đề xuất tiếp tục áp dụng SRI cho vụ mùa 2018 và vụ khoai tây vụ đông xuấn 2018-2019; yêu cầu địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch để đảm bảo kế hoạch sản xuất theo vùng.

Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, người dân Tân Đức đề xuất: các cơ quan chuyên môn cấp trên cần quan tâm hơn nữa về khoa học kỹ thuật canh tác; hỗ trợ nông dân trong sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, tổ chức sản xuất theo hợp đồng.