Nhân rộng mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi

14:05, 07/06/2018

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, năm 2017, Trạm Khuyến nông T.P Sông Công đã triển khai mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại 5 hộ dân thuộc tổ dân phố Kè (phường Phố Cò) và tổ dân phố 1, 3, 6 (phường Lương Châu).

Trong 5 hộ tham gia mô hình có: 2 hộ chăn nuôi lợn, 2 hộ chăn nuôi gà và 1 hộ chăn nuôi vịt với tổng diện tích đệm lót là 250m2. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật sử dụng đệm lót; hỗ trợ trấu, mùn cưa và chế phầm men vi sinh Balasa No.1 (trị giá 5 triệu đồng) làm đệm lót. Đây là loại men có chứa 4 chủng vi sinh vật, có tác dụng: phân giải phân, nước tiểu do lợn thải ra, hạn chế khí sinh mùi hôi, thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi thối; giữ ấm cho vật nuôi trong mùa đông do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men vi sinh vật; phân giải một phần mùn cưa, vỏ trấu và vật liệu khác làm giá thể cho vi sinh vật...

Với những tác dụng trên, việc sử dụng đệm lót trong chăn nuôi đã tăng cường sức đề kháng, giảm thiểu các loại bệnh thường gặp cho vật nuôi; tăng tỷ lệ sống của vật nuôi lên 94%; tiết kiệm công lao động tới 70%; đối với nuôi vịt, tỷ lệ đẻ tăng từ 65% lên 73%; hệ số tiêu tổn thức ăn giảm từ 0,1-0,2kg/kg tăng trọng. Năm 2018, Trạm Khuyến nông T.P Sông Công tiếp tục nhân rộng mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi tới 20 hộ dân trên địa bàn, với diện tích đệm lót là 1.000m2.