Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân trong tỉnh đang hối hả xuống đồng thu hoạch lúa xuân. Trò chuyện với bà con, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự hân hoan, phấn khởi bởi vụ lúa năm nay tiếp tục được mùa.
Nằm uốn lượn bên bờ đê sông Cầu, cánh đồng thôn Vân Trai, xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) mùa này đẹp như một bức tranh với gam màu vàng óng ả. Đi trên cánh đồng, chúng tôi cảm nhận được mùi hương lúa thơm nồng, mùi rơm tươi ngai ngái rải khắp lối đi. Cảnh người gặt lúa, tuốt lúa, người chở thóc thật nhộn nhịp. Tiếng máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hoàn kêu rền vang, tiếng cười nói râm ran cả cánh đồng. Ôm bó lúa bông nào bông nấy nặng trĩu hạt, bà Trần Thị Thế, ở xóm Hồng Vân, xã Tân Phú phấn khởi nói: Năm nay lúa ít sâu bệnh hơn mọi năm, nguồn nước cũng thuận lợi nên chúng tôi không phải mất nhiều công chăm sóc mà lúa vẫn tốt. Nhà tôi cấy 4,5 sào lúa giống Đại dương 8 và TBR225, năng suất đạt trung bình 2,5 tạ/sào, cao hơn năm trước 0,3 tạ/sào. Nhà tôi tự gặt rồi thuê máy tuốt với chi phí 60 nghìn đồng/sào. Còn nhà nào thuê máy gặt đập liên hoàn thì nhàn hơn nhưng phải mất chi phí 150 nghìn đồng/sào. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy được trên 200ha lúa. Vào giữa vụ, cũng có thời điểm lúa bị sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn... nhưng do phòng trừ kịp thời và chăm sóc tốt nên không bị ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thóc. Hiện nay, bà con đang tập trung thu hoạch rộ lúa xuân, năng suất bình quân toàn xã đạt 55 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm ngoái 2 tạ/ha.
Rời T.X Phổ Yên, qua huyện Phú Bình, chúng tôi cũng bắt gặp bà con đang tập trung thu hoạch lúa xuân. Ánh nắng gay gắt của mùa hè khiến gương mặt những người nông dân thêm sạm đen nhưng ai nấy đều phấn khởi vì lúa được mùa. Bà Ngô Thị Tựa, ở tổ dân phố Giữa, thị trấn Hương Sơn chia sẻ: Vào đầu vụ, thời tiết rét đậm, rét hại khiến một số diện tích lúa bị chết, nhà tôi phải đi dặm lại. Cứ lo năm nay sẽ không đủ gạo ăn thế nhưng lại thắng lợi lớn, lúa tốt, ít sâu bệnh, đỡ chi phí và công chăm sóc. Nhà tôi cấy 7 sào, năng suất đạt 2,2 tạ/sào. Sau khi gặt xong, tôi sẽ thu dọn rơm rạ và cày ải để chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Chị Đinh Thị Ngân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình cho biết: Để có vụ xuân thắng lợi, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đồng thời, khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Mặc dù đầu vụ thời tiết thất thường, giữa vụ có sâu bệnh gây hại, tuy nhiên nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và nỗ lực của bà con nông dân trong việc thường xuyên theo dõi diễn biến của sâu bệnh, chăm sóc cây lúa nên năng suất đạt khá cao, ước khoảng 54,8 tạ/ha, sản lượng đạt 26.580 tấn, đạt 100,7% kế hoạch.
Được biết vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 30.100ha lúa, vượt hơn 1.000ha so với kế hoạch, năng suất dự ước đạt 55,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 166.190 tấn. Sản xuất vụ xuân năm nay gặp nhiều khó khăn do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến cây mạ sinh trưởng chậm hơn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã kịp thời hướng dẫn bà con nông dân che phủ ni long giữ ấm nên mạ không bị ảnh hưởng nhiều. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con gieo trồng đúng khung thời vụ để tránh gặp rét khi trỗ nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Vượng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện nay, diện tích lúa xuân ở các địa phương như: Đại Từ, Phú Lương, Phú Bình, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công, T.P Thái Nguyên cơ bản đã chín. Còn một số diện tích traâ xuân muộn ở các huyện như Định Hóa, Võ Nhai lúa đang trỗ bông, chắc xanh. Đối với diện tích lúa đã chín, chúng tôi khuyến cáo bà con tranh tập trung nhân lực, máy móc thu hoạch nhanh gọn theo phương châm xanh nhà hơn già đồng. Gặt xong đến đâu, bà con làm đất ngay đến đó để chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa. Còn lúa xuân muộn, bà con cần tích cực theo dõi đồng ruộng để phát hiện và kịp thời phòng trừ sâu bệnh, nhất là rầy và bệnh khô vằn; không được lơ là, chủ quan với tình hình sâu bệnh gây hại cuối vụ, tránh để ảnh hưởng đến năng suất.
Có thể thấy, cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng thì việc xuống giống đúng khung thời vụ do ngành Nông nghiệp đưa ra nhằm hạn chế tác động bất lợi của thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng, đưa tỉnh ta liên tiếp gặt hái được những mùa vàng.