Nhờ có hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế phù hợp mà hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã Dương Thành (Phú Bình) đã giảm còn dưới 5%, đời sống người dân cơ bản ổn định.
Những ngày này, về xã Dương Thành, đi trên những con đường bê tông phẳng phiu trải dài đến các ngõ xóm, ngắm nhìn những ngôi nhà tầng, trường học, trạm y tế sạch sẽ, khang trang, cánh đồng vàng óng màu lúa, chúng tôi cảm nhận rõ được sự đổi thay của vùng đất này. Ông Dương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn (646ha), trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 368ha, tuy nhiên khó khăn là xã không có hồ đập, nguồn nước sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào sông Cầu. Do vậy, để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã đã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng, đưa các giống cây có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng; mở các lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, để người dân có nguồn vốn đầu tư sản xuất, xã giao nhiệm vụ cho các tổ chức hội, đoàn thể giúp hội viên, người dân tiếp cận với các nguồn vốn từ các ngân hàng, tổ tiết kiệm và vay vốn; triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước và địa phương với các đối tượng chính sách, hộ nghèo...
Xác định lúa là cây trồng chủ lực của xã, hằng năm, xã đều vận động người dân đưa các giống lúa lai, có năng suất cao như GS9, TBR225, Th3-5… vào gieo cấy theo hình thức tập trung, cánh đồng một giống với quy mô từ 10ha trở lên, trung bình mỗi năm diện tích lúa lai gieo cấy đạt 113ha (chiếm 42% tổng diện tích lúa)… Nhờ áp dụng đồng bộ kỹ thuật mà năng suất lúa của xã Dương Thành luôn tăng qua các năm và thuộc xã đứng tốp đầu của huyện, năm 2017, tổng sản lượng lương thực của của xã đạt trên 4.000 tấn. Cùng với trồng lúa 2 vụ, nhiều hộ dân cũng tích cực trồng các cây rau màu vụ đông, các giống củ quả có giá trị kinh tế cao như: dưa hấu, dưa vàng, dưa chuột, ớt…, qua đó giúp người dân có thu nhập ổn định.
Chị Giáp Thị Nga, xóm Phẩm 1 cho biết: Trước kia, vì bệnh tật, đau ốm thường xuyên nên kinh tế kiệt quệ, gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Năm 2013, thông qua xã, gia đình tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tôi mua 1 con bò nái sinh sản, số tiền dư tôi mua giống cây ớt lai và dưa hấu. Được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên lứa đó được mùa, tôi thu lãi được gần chục triệu đồng. Những năm sau tôi tiếp tục mở rộng diện tích và trồng thử thêm các loại dưa lê, dưa vàng. Chăm chỉ làm và tiết kiệm, đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát nghèo. Ở làng này, không chỉ có gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác cũng có thu nhập khá nhờ việc lựa chọn loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao. Để khép kín từ khâu sản xuất và tiêu thụ ổn định nông sản, họ cùng nhau liên kết lại và thành lập Hợp tác xã rau, củ quả an toàn Dương Thành vào cuối năm 2017.
Không rchỉ phát triển trồng trọt, xã còn dành sự quan tâm, tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Để khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chính quyền địa phương thường xuyên đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, do vậy, trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra. Nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô trang trại, tham gia các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện nay, toàn xã có 11 trang trại, 2 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả là HTX Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm và Hợp tác xã Chăn nuôi lợn. Số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp không ngừng tăng qua các năm, từ 145 hộ (năm 2012) lên đến 380 hộ (năm 2017), qua đó, nhiều mô hình tiêu biểu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng như mô hình chăn nuôi gà quy mô nuôi 40.000 con/năm của anh Bùi Văn Thủy, Phạm Văn Bắc (xóm Trung Thành); chăn nuôi ngựa bạch của anh Dương Quang Bách (xóm Phẩm 1), mô hình chăn nuôi gần 200 con lợn, 1.000 con vịt của Phạm Văn Thái (xóm Trung Thành)…
Để nâng cao thu nhập cho người dân, bên cạnh việc phát huy các thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, xã cũng khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 200 hộ hoạt động với các nghề chính như: may mặc, gò hàn, mộc mỹ nghệ, bán hàng tạp hóa… Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng luôn được xã quan tâm. Năm 2017, xã có 171 lao động nông thôn có việc làm mới ổn định với thu nhập khá trong các nhà máy, công ty; 12 người đi lao động ở nước ngoài.
Có thể thấy rằng, với sự nỗ lực trong nhiều năm qua, người dân xã Dương Thành đã tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước nâng cao đời sống, thay đổi diện mạo nông thôn. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 4,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,3% (tăng 11 triệu đồng so với năm 2015). Để đưa nền kinh tế xã đi lên, theo ông Dương Văn Tư, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tập trung vào những cây trồng, vật nuôi chủ lực; phối hợp với các đơn vị triển khai, phát triển các mô hình kinh tế mới, có hiệu quả thì xã sẽ chú trọng đầu tư xây dựng đường giao thông, kiên cố kênh mương nhằm phục vụ tốt hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.