Sản xuất rau xanh ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng tốt phục vụ người tiêu dùng là mục tiêu mà tỉnh ta đang hướng đến. Chỉ trong hơn 1 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã xây dựng được 15 điểm sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với quy mô gần 128ha.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong số gần 128ha rau ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì có 35ha rau trồng trong nhà lưới, nhà kính; 0,04 ha sản xuất thủy canh và 1 điểm sản xuất rau mầm. Ngoài ra, còn có 3 điểm sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Phú Gia, sản lượng mỗi năm đạt trên 100 tấn nấm tươi, 400 tấn khô/năm (xuất khẩu 80%); Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp ABDK, sản lượng 4 tấn/năm; Hợp tác xã sản xuất nấm Đắc Sơn, sản lượng nấm rơm 2,5 tấn/năm.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, khác với phương pháp canh tác tự nhiên, vườn rau ứng dụng công nghệ cao đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến kỹ thuật bón phân, nước tưới...
Tại Thái Nguyên, các điểm sản xuất rau có ứng dụng công nghệ cao thường sử dụng nhà kính hoặc nhà lưới để trồng rau. Khi người dân canh tác ở trong mô hình nhà kính, nhà lưới sẽ hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, những hóa chất không cần thiết, từ đó cho ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Theo anh Nguyễn Quang Nạp, xóm Trung Na, xã Tiên Hội (Đại Từ) - người đầu tiên của tỉnh mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng nhà kính sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thì canh tác trong nhà kính hạn chế những bất lợi từ thời tiết và sâu bệnh nhờ chủ động được độ ẩm trong đất, năng suất canh tác trong nhà kính tăng từ 30 - 50% so với canh tác truyền thống.
Tuy nhiên, do chi phí đầu tư làm nhà kính rất cao nên đa phần, khi sản xuất rau xanh ứng dụng công nghệ cao, người dân thường sử dụng nhà lưới. Ông Hứa Văn Tú, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa) cho hay: Gia đình tôi sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 4 sào ruộng. Theo đó, tôi trồng rau xanh trong nhà lưới có kết cấu dạng vòm, xung quanh có hệ thống lưới chắn côn trùng; trong nhà có thiết kế hệ thống lưới cắt nắng và giảm nhiệt màu đen; mái che được lợp bằng lưới nilon chuyên dụng phủ trên nóc có độ bền 24-36 tháng. Để rau phát triển tốt, gia đình tôi còn sử dụng hệ thống tưới phun tự động chạy dọc theo mái, lấy nước từ giếng khoan... Tôi thấy, việc trồng rau trong nhà lưới giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm sự tác động của thời tiết (sương muối), rút ngắn thời gian sinh trưởng.
Thực tế cho thấy, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững. Điều đáng nói là mở rộng và phát triển các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao còn giúp bà con chủ động trong sản xuất và có thể canh tác trái vụ. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích rau sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chưa nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng nông sản chất lượng cao của người dân trong tỉnh là rất lớn. Chị Hà Thị Ngần, tổ dân phố 32, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nói: Sử dụng rau sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao phục vụ bữa ăn hàng ngày sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Dù vậy, trên thị trường Thái Nguyên chưa có nhiều điểm kinh doanh loại rau này. Mong rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao để cung cấp cho thị trường trong tỉnh.
Với nhiều vùng rau chuyên danh như Túc Duyên, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), Linh Sơn (Đồng Hỷ), Nhã Lộng (Phú Bình), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ); đất đai màu mỡ... Thái Nguyên có nhiều tiềm năng sản xuất rau xanh ứng dụng công nghệ cao... Dù vậy, để tăng diện tích rau xanh ứng dụng công nghệ cao, trong thời gian tới, tỉnh nên tiếp tục xây dựng các mô hình, dự án cho người dân tham gia. Thông qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân, là cơ sở chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng cũng như chuyển từ việc trồng rau theo phương thức truyền thống sang sản xuất rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn cho thu nhập cao; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cũng như mở các lớp tập huấn về sản xuất rau ứng dụng công nghệ cho người dân tham gia; có chính sách hỗ trợ cho người trồng rau có ứng dụng công nghệ cao...