Xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) là một trong những địa phương được xác định có một số điểm trọng yếu dễ xảy ra ngập lụt trong mùa mưa bão. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đã được địa phương triển khai thực hiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Có mặt tại thôn Vân Trai và thôn Phú Cốc, chúng tối thấy một số hộ dân đang tích cực chuẩn bị cho công tác phòng, chống lụt bão tại gia đình. Ông Trần Hồng Sơn, ở thôn Vân Trai cho biết: Với khoảng 1ha nuôi thả cá thương phẩm, hiện nay gia đình tôi đã chuẩn bị hàng tạ lưới và cọc tre để vây quanh bờ ao, đảm bảo nguồn thủy sản không bị thất thoát. Toàn bộ hệ thống bờ bao quanh, cống tiêu thoát nước đã được gia cố, thay thế chắc chắn. Theo ông Trần Văn Sơn, Trưởng thôn Vân Trai, với đặc điểm gần tuyến đê Chã dễ gây ngập úng, sạt lở khi mưa lớn, xóm đã chủ động xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN của địa phương và tuyên truyền tới cán bộ, nhân dân. Theo đó, xóm đã khuyến cáo bà con chủ động sửa sang nhà ở, gia cố các công trình phụ và hồ ao nuôi trồng thủy sản, có kế hoạch gieo cấy dự phòng... Đồng thời, triển khai lực lượng bảo vệ an toàn tuyến đê Chã từ K3 + 900 đến K4 + 500 và các công trình công cộng khác. Đến nay, thôn đã tuyên truyền, vận động bà con chuẩn bị đầy đủ một số vật tư cần thiết như: cọc tre, bao tải, áo phao, thuyền, xuồng… sẵn sàng khi có thiên tai xảy ra.
Xã Tân Phú thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc với 11 xóm, hơn 5.000 nhân khẩu. Xã được xác định là khu vực dễ xảy ra ngập lụt, bởi không chỉ có sông Cầu chảy qua bao bọc toàn bộ thôn Phú Cốc mà còn có hệ thống kênh mương tiêu hồ Núi Cốc chảy từ các xã lân cận dồn về đổ ra sông Cầu. Tuyến đê Chã qua địa bàn có đoạn đê từ K5 + 700 đến K6 + 300 đã suy yếu có khả năng gây rò rỉ thẩm thấu, khi mưa lũ kéo dài trên báo động 2-3 dẫn đến nguy cơ vỡ đê. Mặt khác, những tồn tại trong quá trình thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên qua địa bàn chưa được khắc phục (đáy cống thấp; cống thoát nước cánh Đồng Gạo bị đất đá vùi lấp trong lòng cống; đường gom dân sinh chưa thi công, đường liên xã phục vụ thi công đường cao tốc xuống cấp nghiêm trọng) dẫn đến việc không tiêu thoát nước kịp thời. Với những đặc điểm trên, nếu xảy ra mưa lũ kéo dài, khu vực thôn Phú Cốc có 380 hộ dân và trên 90 hộ dân ngoài đê thôn Vân Trai sẽ bị ngập trong nước. Khi mưa to cục bộ, đoạn cống ngòi trên tuyến đường từ xã Tân Phú đi xã Trung Thành hơn 2km sẽ bị ngập ở độ sâu 1m, ảnh hưởng đến toàn bộ giao thông tại xóm Tảo Địch. Ngoài ra, tại 3 bến đò ngang (Tân Phú đi Quang Minh, Đại Thành, Hiệp Hòa (Bắc Giang); bến đò Vân Trai, bến đò xóm Bến Cả - Lợi Bến) khi nước lũ dâng cao dẫn đến nguy cơ mất an toàn, hàng trăm hec-ta lúa và hoa màu vùng ngoài đê sông Cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Năm nay, ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTT - TKCN của xã, địa phương cũng đã xây dựng phương án PCTT-TKCN nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, đặc biệt quan tâm đến khu vực dễ bị ngập lụt. Đồng thời cảnh báo, hướng dẫn bà con cách phòng, tránh, ứng phó thiên tai sát với thực tế địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra chất lượng các công trình đê, đập, kè, cống, ao… nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng để có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Huy động các lực lượng sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai (lực lượng tại chỗ 550 người; lực lượng cơ động trên 70 người; lực lượng khắc phục hậu quả gần 700 người). Hiện, kho vật tư của xã đã được kiểm tra, bổ sung phao cứu sinh, áo phao, cọc tre, bạt, bãi đất dự phòng với khối lượng 1.300m3… sẵn sàng khi có sự cố xảy ra.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình của địa phương, xã cũng đã xây dựng phương án PCTT đối với 4 tình huống cụ thể, có khả năng xảy ra cao nhất trong mùa mưa lũ. Rút kinh nghiệm từ thực tế qua các năm, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã cũng đã xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN sát với đặc điểm tình hình của địa phương, đảm bảo khi có sự cố tất cả đều sẵn sàng. Tuy nhiên, để công tác này thực sự mang lại hiệu quả, địa phương cũng đề nghị các cấp, ngành liên quan cần quan tâm nâng cấp, sửa chữa cũng như thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi trọng yếu như: Tuyến đê Chã, cống số 3 đê Chã; bổ sung, thay thế một số vật tư đã cũ, hỏng tại kho vật tư của xã, nhằm phục vụ công tác PCTT-TKCN…