Tạo dấu ấn với nhãn hiệu chè Hảo Đạt

16:11, 04/06/2018

Không hẹn trước, tôi tìm về vùng đất Tân Cương, ghé qua cơ sở giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (xóm Nam Tân, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên) để thưởng thức một chén trà ngon và nghe những chia sẻ thú vị của người nữ “thuyền trưởng” HTX - chị Đào Thanh Hảo.

Chị Hảo và chồng là anh Phạm Quốc Đạt tiếp chuyện tôi và khách hàng một cách niềm nở. Trong gian trưng bày rộng rãi, tôi thấy có nhiều mẫu sản sản phẩm chè khô đã đóng hộp và ấm pha trà rất đẹp; bảng niêm yết công khai giá chè với nhiều mức, từ bình dân (250.000 đồng/kg) đến loại cao cấp nhất là chè Đinh (2,5 triệu đồng/kg). Cạnh đó là khu lấy hương và đóng gói chè. Hơn chục công nhân đang làm việc hăng say. Mùi thơm của chè búp khô đã lấy hương hấp dẫn bất cứ ai đến tham quan.

Câu chuyện của tôi với hai vợ chồng chị Hảo liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gọi điện mua chè. Chị Hảo chia sẻ: “Giờ đã thuận tiên hơn trước rất nhiều, HTX nhận đặt hàng thông qua điện thoại, trang web và cả thư điện tử nữa. Trung bình, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ từ 15-17 tấn chè búp khô đi khắp mọi miền đất nước và một phần xuất khẩu. Chè Hảo Đạt tạo dựng được uy tín với khách hàng bởi chất lượng, sản phẩm có chứng nhận an toàn thực phẩm và giá bán hợp lý”.

Qua những lời chia sẻ, tôi nhận thấy tư duy rất mới trong sản xuất và kinh doanh chè của Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt. Chị bảo: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất trồng chè nổi tiếng Tân Cương, gia đình đã mấy thế hệ gắn bó với cây chè. Tuy nhiên, thu nhập của người dân làm chè lại chưa cao do cách làm riêng lẻ, kỹ thuật chế biến không đồng đều và thị trường không ổn định. Ngay từ đầu tôi đã nghĩ, có làm chè ngon nhưng chỉ nhà mình thôi thì không ổn. Nên có kinh nghiệm gì đều chia sẻ cho bà con lối xóm, nhất là kỹ thuật chế biến và các mối bán chè. Từ thu mua chè tươi về chế biến, gom chè khô về để lấy hương rồi bán cho khách, lâu dần tôi tập hợp mọi người lại thành một nhóm để cùng hỗ trợ nhau sản xuất”. Trên nền tảng đó, năm 2007, chị Hảo đứng ra vận động một số chị em trong xóm thành lập tổ hợp tác, rồi dần phát triển thành HTX Chè Hảo đạt. Hiện, HTX đã phát triển với 8 thành viên và hơn 50 hộ trong vùng Tân Cương liên kết cung cấp chè nguyên liệu.

Để từng bước tạo dựng uy tín của chè Hảo Đạt trên thị trường, thì chất lượng và sự chuyên nghiệp là nguyên tắc chị Đào Thanh Hảo luôn theo đuổi. Chị cho biết: Bao bì đóng gói sản phẩm tôi đặt mua tận T.P Hồ Chí Minh. Các thiết bị máy móc như hút chân không, phòng lạnh bảo quản, hệ thống sao sấy bằng điện…đều được HTX đầu tư đồng bộ. Còn về chất lượng chè, có nhiều người góp ý nên thu mua chè nguyên liệu về chế biến rồi dán mác Tân Cương, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều nhưng chúng tôi kiên quyết không thực hiện. Thực tế, tôi đã đi nhiều vùng chè trong và ngoài tỉnh, nhận thấy một số nơi có điều kiện thổ nhưỡng và tiểu khí hậu rất phù hợp, chè búp tươi thậm chí còn đẹp hơn ở Tân Cương. Nhưng khi sao sấy theo đúng kỹ thuật của mình vẫn làm thì chất lượng lại không bằng. Chè Tân Cương có màu sắc, thơm hương và vị đượm đặc trưng không phải nơi nào cũng có được. Thứ nữa, toàn bộ chè do HTX sản xuất đều phải theo tiêu chuẩn VietGAP. Không hóa chất độc hại, sử dụng nguồn nước sạch, bón phân đúng liều lượng, đúng thời gian là những yêu cầu bắt buộc với các thành viên và hộ liên kết sản xuất nhằm đảm bảo cho nguồn nguyên liệu chè đầu vào của HTX luôn đạt được chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ những sản phẩm ban đầu được ký gửi tại các cửa hàng, gian trưng bày tại hội chợ, nhãn hiệu chè Hảo Đạt ngày càng được khách hàng biết đến. Giờ nhắc vùng chè đặc sản Tân Cương, nhiều người nghĩ ngay đến nhãn hiệu Hảo Đạt. “Chúng tôi xác định lấy tỷ lệ lãi xuất thấp bằng việc bán giá hợp lý, nhưng sẽ tiêu thụ được nhiều để bù lại. Dù thời điểm thu hái chính vụ hay mùa đông, giá bán chè cũng không thay đổi so với mức niêm yết” - chị Hảo chia sẻ. Để làm được điều này, việc đầu tư khoa học kỹ thuật được chị và các thành viên HTX đặc biệt quan tâm. Hiện nay, cơ sở Hảo Đạt đã đầu tư 2 xưởng sản xuất, đóng gói chè với diện tích trên 2.000m2. Dây chuyền sản xuất chế biến chè được khép kín, với các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng điện, hàng chục máy vò chè có giá trị hơn 2 tỷ đồng đều đặt chế độ tự động. Tất cả đều do chị cùng đội ngũ thợ cơ khí thiết kế điều chỉnh thử nghiệm, vận hành cho phù hợp. Không những vậy, gia đình chị còn đầu tư thêm 3 ô tô tải để phục vụ vận chuyển cho khách hàng.

Không chỉ làm tốt việc sản xuất, kinh doanh, chị Đào Thanh Hảo còn thường xuyên giúp đỡ 15 hộ nghèo với số tiền 10-15 triệu đồng/hộ không lấy lãi, giúp đỡ kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè để nâng cao thu nhập. Với những đóng góp đó, người phụ nữ, doanh nhân mảnh mai này đã được ghi nhận bằng nhiền phần thưởng như: Nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2017; tuyên dương điển hình tiên tiến qua các thời kỳ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức năm 2018… Với các nhân chị Hảo, có lẽ niềm vui nhất không phải những phần thưởng mà là giúp tạo việc làm và thu nhập cao hơn cho nhiều hộ dân và góp phần từng bước phát triển thương hiệu chè Tân Cương vươn xa hơn nữa.