Toàn tỉnh hiện có trên 21.500ha chè, trong đó, diện tích chè kinh doanh chiếm khoảng 91%. Phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã liên kết lại để hình thành nên các hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất, kinh doanh chè, đồng thời, từng bước đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh kêu gọi các dự án đầu tư sản xuất chè công nghệ cao.
Không phải tự nhiên các sản phẩm chè được sản xuất tại các HTX lại có chất lượng cao hơn so với sản xuất đơn lẻ, bởi khi tham gia vào tổ chức này, người dân được HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ đầu ra. Trên cơ sở đó, chè được sản xuất theo cùng một quy trình đã đem lại sản lượng chè lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn. Chị Tống Thị Kim Thoa, thành viên của HTX Chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho biết: HTX đã mời các chuyên gia về tận nơi “cầm tay chỉ việc” cho chúng tôi. Chính vì vậy mà từ lâu, tôi và các thành viên HTX đều nắm rõ và thực hiện trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ. Được biết, HTX Chè Tân Hương hiện là đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn UTZ Certified. Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, doanh thu của HTX không ngừng tăng trưởng qua các năm. Năm 2017, doanh thu của HTX đạt 8,9 tỷ đồng, đảm bảo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập trung bình là 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, các HTX chè còn đóng vai trò không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chè. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các sản phẩm chè được sản xuất tại HTX đều được đóng gói với đầy đủ thông tin về sản phẩm, địa chỉ liên hệ… Nhiều sản phẩm đã đăng ký mã số, mã vạch, tem mác và được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Một số HTX còn kỳ công chăm chút, “khoác áo” mới cho mỗi sản phẩm của mình. Đơn cử như các sản phẩm Đinh Tâm trà của HTX Chè La Bằng (Đại Từ), hay Tuyết Hương trà của HTX Chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ).
Nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, nhiều HTX đã xây dựng được các gian hàng giới thiệu sản phẩm, đi kèm với đó là không gian thưởng trà với phong cách đặc trưng riêng. Ngoài chè búp khô truyền thống, một số HTX còn cho ra đời nhiều loại sản phẩm được chế biến từ cây chè như: cao, bột trà xanh…
Khắc phục những hạn chế của sản xuất cá thể, một số HTX chè đã xây dựng được hệ thống nhà kho, xưởng sản xuất với máy móc, thiết bị được đầu tư hiện đại nhằm khép kín quy trình, qua đó góp phần hạn chế thấp nhất hao hụt, tiết kiệm nhân công. Bà Đào Thị Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Với hơn 6ha trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, trung bình mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường gần 20 tấn chè búp khô, do vậy để duy trì sản xuất liên tục, đảm bảo chất lượng và số lượng sản phẩm cung ứng, chúng tôi luôn chú trọng đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị. HTX hiện có 2 xưởng sản xuất có tổng diện tích trên 800m2 được đầu tư đầy đủ các loại máy như: máy sao chè tươi, máy sao chè khô, máy vò chè, máy hút chân không… với tổng giá trị khoảng 1,4 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, thời gian qua, bằng những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với đó là sức mạnh tập thể của nhiều thành viên, các HTX sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn hiện có trên 40 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh về chè. Các HTX đã đóng góp không nhỏ vào việc thay đổi tư duy sản xuất, hình thức canh tác, chế biến chè của người dân theo hướng hiện đại, từ đó tạo tiền đề thuận lợi để triển khai các dự án sản xuất chè công nghệ cao. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018, trong 17 dự án nông nghiệp trên tổng số 65 dự án trên các lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư thì có 4 dự án sản xuất chè công nghệ cao với tổng quy mô 860ha tại các địa phương: Đại Từ, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên, Phú Lương.
Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, cho biết: Chúng tôi đang tập trung mời gọi sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng cao, làm tiền đề hình thành khu du lịch sinh thái. Tổng quy mô dự án là 110ha, tại xã Tức Tranh. Huyện luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào dự án, hỗ trợ các đơn vị hoàn thiện các thủ tục cần thiết cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư tại địa phương.
Các HTX đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè cũng như tạo tiền đề ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè. Tin tưởng rằng với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc hình thành các vùng chè ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn sẽ thành hiện thực tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.