Từng bước hình thành vùng sản xuất rau tập trung

10:24, 27/06/2018

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, dân số và truyền thống sản xuất, lâu nay, xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các cây rau màu. Những năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích gieo trồng, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và thu nhập.

Những ngày này, cánh đồng chuyên canh rau tại các xóm: Soi, Trại, Trà Thị, Việt Hồng bao phủ bởi màu xanh mướt của các loại rau cải, mồng tơi, rau ngót... Ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho biết: So với các địa phương khác trên địa bàn thị xã thì Đông Cao có nhiều yếu tố thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Bởi xã giáp với sông Cầu, không những thuận lợi về nguồn nước tưới mà còn được hưởng đặc lợi từ chất đất pha cát tơi xốp, phù hợp với trồng cây rau màu. Cũng bởi điều kiện canh tác nông nghiệp tại địa phương khá thuận lợi, hằng năm có trên 50% số hộ nông dân tham gia sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh rau cho thu nhập ổn định. Ngoài ra, xã có hệ thống đường giao thông thuận lợi với tuyến Quốc lộ 3 cũ chạy qua, gần với các khu, cụm công nghiệp và một số chợ đầu mối như: chợ Ba Hàng, chợ Chã, chợ Cầu Gô… nên việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản cũng khá thuận lợi. Từ những tiềm năng và lợi thế đó, hằng năm người dân xã Đông Cao đã chủ động đưa vào gieo trồng với diện tích trên 70ha rau xanh các loại. Ông Hoàng Văn Tám, ở xóm Trại cho biết: Gia đình tôi đã chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa sang trồng rau từ nhiều năm nay. Theo tính toán, 1 sào trồng rau cho thu lãi hơn 1 triệu đồng/tháng, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa.

Ngoài những điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Đông Cao là địa phương có truyền thống trồng rau từ rất lâu đời. Những năm gần đây, từ những kinh nghiệm trồng rau được tích lũy cùng sự tạo điều kiện, hỗ trợ của các cấp, ngành địa phương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng được một số mô hình thâm canh rau cho thu nhập cao. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao. Dù được thành lập và đi vào hoạt động năm 2017 nhưng đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nhận thức của người dân trong sản xuất đã có những chuyển biến rõ rệt. Từ 9 thành viên trong những ngày đầu thành lập đến nay, HTX đã thu hút 37 hộ xã viên ở xóm Trại và xóm Soi tham gia trồng các loại rau an toàn.

Chị Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao cho biết: Khi tham gia HTX, các hộ xã viên phải đảm bảo tuân thủ các quy trình kỹ thuật của sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Bên cạnh đó, HTX cũng kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng nguồn nước tưới cho rau và các bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom, tiêu hủy đúng quy định. Với cách làm này, tháng 7-2017, sản phẩm rau của HTX đã được Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Hiện nay, với diện tích trên 3ha trồng rau an toàn, bình quân mỗi ngày HTX thu hoạch hơn 5 tạ rau và được Công ty TNHH thực phẩm Nguyên Phong (Hà Nội) thu mua để cung cấp cho một số trường mầm non, bếp ăn tập thể tại Hà Nội. Với giá bán dao động từ 15.000-18.000 đồng/kg rau tùy loại, doanh thu đạt trên 170 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhằm nâng cao năng suất, giảm công lao động, hiện toàn bộ diện tích rau an toàn của HTX đều được trồng trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động…    

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Đông Cao có khoảng 20ha trồng rau tập trung thuộc các xóm Soi, Trại, Trà Thị, Việt Hồng…Ngoài việc tiêu thụ tại chỗ, rau còn được các thương lái đến từ các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội thu mua. Đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, đây được coi là tiền đề để địa phương tiến tới thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tương lai. Thông qua mô hình này, người dân đã ý thức được việc sử dụng công nghệ không chỉ giúp giảm công lao động mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên, quan trọng hơn cả là người dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Căn cứ vào thực tế của địa phương, năm 2016, xã Đông Cao đã được tỉnh quy hoạch vùng sản xuất rau tập trung với diện tích trên 40ha tại các xóm: Soi, Trại, Trà Thị, Việt Hồng...

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: T.X Phổ Yên đang triển khai sản xuất rau tập trung tại một số xã, phường như: Ba Hàng, Đông Cao, Tân Phú, Tiên Phong với diện tích khoảng 90ha. Trong đó, Đông Cao và Tân Phú là hai địa phương có diện tích trồng rau lớn và khá tập trung (khoảng 60ha). Riêng xã Đông Cao, người dân có kinh nghiệm trồng rau từ nhiều năm nay, điều kiện đất đai cũng phù hợp để thâm canh các loại rau màu, có khả năng mở rộng phát triển thành vùng sản xuất rau hàng hóa. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, khó khăn khi sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao là thiếu vốn đầu tư, giá cả và đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh... Đây cũng là lý do mà T.X Phổ Yên mời gọi đầu tư cho dự án này tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018. Khi dự án này được triển khai, địa phương sẽ chỉ đạo HTX Nông nghiệp Đông Cao tiếp tục mở rộng diện tích và áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật sản xuất rau an toàn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Mặt khác, thị xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tích cực tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh…