Vươn lên nhờ sự nhạy bén

08:39, 01/06/2018

Xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ sự kiên trì và năng động trong phát triển kinh tế, chị Nông Thị Hạnh (ảnh), xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đã và đang mạnh dạn đầu tư, kinh doanh đa dạng nhiều sản phẩm trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn 400 triệu đồng/năm.

Để có được thành công đối với một phụ nữ dân tộc Nùng như chị Nông Thị Hạnh là cả một sự phấn đấu, cố gắng không ngừng nghỉ. Sau khi kết hôn, chị chuyển về sinh sống tại Làng nghề chè Khuôi Gà, xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn. Học theo mọi người, chi Hạnh cũng bắt đầu trồng chè. Thời gian đầu, mọi quy trình chăm sóc cây chè còn chưa hợp lý, kỹ thuật hạn chế nên sản lượng và lợi nhuận thu được thấp. Tuy khó khăn nhưng chị vẫn kiên trì, không ngừng học hỏi kỹ thuật sản xuất tại các buổi tập huấn do xã và huyện tổ chức. Năm 2006, chị mạnh dạn đầu tư mở rộng đất trồng chè lên 2ha và chuyển sang trồng giống chè lai LDP1, Kim Tuyên và Bát Tiên. Kết hợp với đổi mới quy trình sản xuất, chè giống mới không chỉ cho năng suất, sản lượng vượt trội mà còn đem lại chất lượng tốt, giá bán cao hơn.

 Chưa thỏa mãn với những gì đã có, chị Hạnh tiếp tục tìm hiểu nhu cầu thị trường để mở rộng kinh doanh. Năm 2008, sau khi tham dự hội thảo về nuôi nhím, chị quyết định nhập về 5 đôi nhím, với giá 17 triệu đồng/đôi. Nhưng khi bắt tay vào nuôi cũng là lúc nhiều khó khăn ập đến. Chị chia sẻ: Do chưa chuẩn bị kỹ về kiến thức, ban đầu tôi tưởng con vật này có khẩu phần ăn ít nhưng trên thực tế nó cần chế độ dinh dưỡng khá cao. Vì vậy, số tiền để mua thức ăn đã nhiều hơn so với dự tính. Đặc biệt năm 2010, tôi đã bị lỗ 80 triệu đồng do giá nhím bán ra quá thấp, chỉ 5 đến 6 triệu đồng/đôi nhím giống và 3 triệu đồng/đôi nhím thịt. Kinh tế gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng để đầu tư kinh doanh thêm”.

Với quan điểm, làm kinh doanh thì thua lỗ rất dễ xảy ra nên chị vẫn giữ bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Cũng trong năm đó, chị Hạnh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khôi phục sản xuất. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, chị tìm hiểu kỹ nhu thị trường rồi quyết định kinh doanh 2 lĩnh vực chính là: trồng chè và cây cảnh. Trong đó, 10 triệu đồng để mua giống cây chè, số còn lại chị mua 100 cây giống Tùng kim và 200 cây giông Tùng La Hán.

Nắm bắt được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, chị không ngừng học tập, cải thiện quy trình trồng trọt để nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm. Năm 2012, sau khi tham gia lớp tập huấn sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chị nhanh chóng thay đổi toàn bộ cách chăm bón, kỹ thuật sao sấy theo đúng quy trình “3 sạch”. Nhờ đó, mỗi năm chị thu hoạch được 7 lứa chè, trung bình mỗi lứa thu được 1 tạ chè khô/ha, giá bán dao động 300 nghìn đồng/kg. Còn về cây cảnh, vì xuất phát điểm không phải là một người làm vườn chuyên nghiệp nên chị Hạnh đã đi đến nhà vườn để học hỏi. Sau 7 năm chăm sóc, 300 cây Tùng phát triển rất tốt và bán được giá cao, thu được hơn 100 triệu đồng.

  Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chị Hạnh đã tích góp mua thêm đất, mở rộng diện tích vườn bãi từ 2 lên 5ha; bên cạnh chè và cây cảnh, chị trồng xen thêm cây ăn quả, trồng rừng và nuôi cá. Chị Hạnh chia sẻ: Thị trường ưa chuộng sản phẩm gì, tôi sẽ mua luôn giống để làm thử, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra quy mô lớn hơn. Ví như năm 2015, tôi trồng 50 gốc chanh đào đến năm 2017, thu hoạch được 1 tấn chanh, lợi nhuận đạt gần 8 triệu đồng. Có hiệu quả, tôi tiếp tục mua thêm 100 gốc chanh tứ thời đang được ưa chuộng về trồng.

Nhờ nhanh nhạy, mạnh dạn trong làm kinh tế nên nhiều năm qua chị Hạnh đã gặt hái được những thành công nhất định trong phát triển kinh tế. Chị Nguyễn Thị Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đại Từ cho biết: Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Hạnh còn là tích cực tham gia hoạt động Hội, giúp đỡ, truyền kinh nghiệm cho các thành viên khác vươn lên làm giàu. Chị đã được nhận Giấy khen có thành tích xuất sắc trong các phong trào xây dựng Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC. Năm nay, Hội đã đề nghị UBND huyện khen thưởng chị là một trong 10 hộ sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2017.