Chú trọng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

17:13, 31/07/2018

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn diễn ra sáng 31-7, đã có nhiều tham luận của các đại biểu xung quanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết, những thuận lợi, khó khăn cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra. Báo Thái Nguyên lược ghi ý kiến phát biểu của một số cá nhân, đơn vị tiêu biểu có thành tích xuất sắc.

Góp phần nâng cao giá trị nông sản

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty CP Chè Hà Thái (Đại Từ): Công ty hiện có các dòng sản phẩm như: chè Đinh sen, chè Đinh đinh, chè tôm nõn và chè búp đặc sản. Thời gian qua, Công ty đã thực hiện liên kết với Hợp tác xã Chè Tân Hương, Doanh nghiệp Tuấn Thoi, xã Phú Xuyên và bà con ở xã La Bằng để sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn theo quy trình VietGap, UTZ. Trong quá trình liên kết, Công ty đã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung. Năm 2017, Công ty đạt doanh thu 378 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 285 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 200 lao động. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất chè búp tươi (100ha) ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật nhằm cung cấp cho thị trường nhiều loại trà chất lượng cao. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông nghiệp

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ: Bám sát các nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW, Sở Khoa học - Công nghệ đã tập trung nghiên cứu đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao. Có thể kể tên một số mô hình tiêu biểu như: mô hình chọn lọc và thâm canh lúa nếp Thầu Dầu chất lượng cao quy mô 2ha tại xã Úc Kỳ (Phú Bình); mô hình thâm canh lúa lai VL20 và HYT 83 tại huyện Phú Lương; mô hình sản xuất và chế biến chè xanh theo hướng an toàn tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ; sản xuất ba ba giống và nuôi ba ba thương phẩm Thái Lan; ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn viên cho cá từ nguồn nguyên liệu sẵn có; ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc... Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hướng tới liên kết sản xuất hàng hóa

Ông Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tân Đức (Phú Bình): Nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, có thương hiệu trên thị trường, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã đã chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức thực hiện. Đồng thời, công khai quy hoạch sản xuất, cơ chế chính sách có lợi nhất cho người nông dân và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Kết quả, trong những năm qua, xã Tân Đức đã thành lập được nhiều mô hình liên kết sản xuất, nổi bật là mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm ớt Hiểm Lai Nun2074 với Công ty TNHH KIBACO (Bắc Ninh); khoai tây với Công ty Tân Nông; liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ với Công ty CP Quế Lâm Phương Bắc; liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm lúa Bao thai với Trung tâm Giống cây trồng Thái Nguyên. Ngoài ra, còn có các mô hình sản xuất tập trung ở các xóm: Ngò Thái, Quẫn, Viên, Tân Thịnh. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn xã tăng từ 4.770 tấn (năm 2010) lên hơn 5.000 tấn năm 2017; giá trị sản phẩm tăng từ 54 triệu đồng/ha lên 100 triệu đồng/ha năm 2017. Năm 2017, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm

Bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: T.P Thái Nguyên là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, có nhiều các nhà máy, trường học, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Đây là lợi thế để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm. Thành phố đã có một số mô hình điển hình như: Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải, với quy mô 70ha với hồ cá, vườn cây, nương chè, ruộng lúa, vườn rau, hằng năm thu hút hàng chục nghìn người đến tham quan. Ngoài ra, hiện nay, Làng văn hóa du lịch cộng đồng vùng chè đặc sản Tân Cương, đã có nhiều gia đình ở các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu tham gia làm dịch vụ lưu trú tại gia, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong thời gian tới, thành phố sẽ có một số mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm như: Dự án Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Đồng Bẩm; xây dựng mô hình điểm về sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao tại xã Phúc Trìu... Đây sẽ là những mô hình điểm để nhân dân trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm.

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, huyện Đại Từ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần tự lực, huy động nguồn lực tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, từ năm 2008-2017, tổng các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn đạt trên 3.700 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 735,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 891,5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 419 tỷ đồng, các nguồn vốn khác trên 1.680 tỷ đồng. Đại Từ là huyện có xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến hết năm 2018, có 16/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 57,1%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2020.