Huyện Định Hóa có 142 công trình thủy lợi gồm 30 hồ chứa, 108 đập dâng và 13 trạm bơm phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Hiện nay đang là cao điểm của mùa mưa bão, chính vì vậy công tác đảm bảo an toàn hồ, đập và các công trình thủy lợi đang được các địa phương, đơn vị chức năng của huyện Định Hóa tích cực triển khai thực hiện nhằm hạn chết thấp nhất thiệt hại do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Theo thống kê, trong tổng số 142 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Định Hóa thì có 17 công trình (gồm 7 hồ chứa; 11 đập dâng) do Trạm khai thác thủy lợi Định Hóa thuộc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi quản lý, vận hành; còn lại 125 công trình (gồm 23 hồ chứa nhỏ, 97 đập dâng) do UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý, khai thác. Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, UBND huyện Định Hóa đã yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành những hồ chứa, đập dâng tiến hành kiểm tra mức độ an toàn của các công trình. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được đánh giá an toàn trước mùa mưa lũ năm 2018. Tuy nhiên, do nhiều hồ, đập đã được xây dựng nhiều năm nên đến nay một số công trình có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng và có nguy cơ mất an toàn. Điển hình như: hồ Bó Vàng (xã Thanh Định); hồ Nà Tấc (xã Lam Vỹ); hồ Thâm Phá (xã Kim Phượng); hồ Đá Bay (xã Bình Yên); hồ Nà Khao (xã Trung Hội); đập Khau Mò (xã Phú Đình); đập Khuẩy Chao (xã Bảo Linh)… Trước thực trạng nêu trên, huyện Định Hóa đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình xuống cấp, hư hỏng; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn huyện chủ động xây dựng kế hoạch, vật tư, nhân lực và phương án phòng chống chống lụt bão, bảo đảo an toàn cho các công trình thủy lợi, nhất là các hồ, đập.
Hồ Nà Tấc (xã Lam Vỹ) là một trong hai công trình hồ chứa nước lớn nhất của huyện Định Hóa với dung tích thiết kế là 870.000 m3 nước. Công trình này được Nhà nước đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2005. Hồ có nhiệm vụ tích trữ nước, điều tiết nước tưới cho hơn 140ha đất nông nghiệp của hai xã Lam Vỹ và Tân Thịnh. Sau 13 năm đưa vào sử dụng, gần đây hồ đã có dấu hiệu xuống cấp khá nghiêm trọng, đặc biệt là phần đập chính. Qua kiểm tra cho thấy, ở khu vực mái hạ lưu thân đập chính xuất hiện nhiều mạch đùn, mạch sủi gây thấm nước qua thân đập với diện tích vùng thấm khoảng 300m2; trên cơ đập cũng xuất hiện vùng thấm nước với diện tích khoảng 215m2.
Hiện tượng nêu trên đã và đang tiềm ẩn gây nguy cơ mất an toàn cao đối với khoảng 500 hộ dân sinh sống tại vùng hạ lưu hồ. Vì vậy, công tác bảo vệ an toàn cho hồ trong mùa mưa bão đang được đơn vị quản lý, vận hành là Trạm Khai thác thủy lợi Định Hóa và UBND xã Lam Vỹ tập trung triển khai thực hiện. Ngay từ đầu năm, Trạm Khai thác Thủy lợi Định Hóa đã xây dựng phương án phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và Phương án xử lý sự cố kỹ thuật riêng cho hồ Nà Tấc. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm của mùa mưa bão, Trạm chủ động hạ bớt dung tích chứa nước của hồ để đảm bảo an toàn; đồng thời bố trí cán bộ, nhân viên trực 24/24h tại khu vực hồ và chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ, vật tư ban đầu gồm: 1.120 bao tải, 30 cuốc chim, 20 xẻng, 9 đầm gang... nhằm kịp thời xử lý các sự cố bất ngờ có thể xảy ra.
Ông Ma Văn Toán, Trạm trưởng Trạm Khai thác Thủy lợi Định Hóa cho biết: Để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, hằng năm, đơn vị đều được phân bổ nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Đơn cử như cuối năm 2017, đơn vị đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp hồ Bảo Linh (xã Bảo Linh) với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; hồ Làng Gầy (xã Phúc Chu) với kinh phí 450 triệu đồng... Riêng đối với công trình Hồ Bó Vàng (xã Thanh Định); hồ Nà Tấc (xã Lam Vỹ), hiện nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát, khoan thăm dò và lập hồ sơ đề nghị sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, do đang là mùa mưa bão nên việc sửa chữa dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối năm nay. Bên cạnh việc tập trung sửa chữa, khắc phục tình trạng xuống cấp của các hồ, đập, Trạm cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các vụ vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng vật tư phục vụ công tác phòng chống lụt bão và đề xuất phương án bổ sung, thay thế nhằm bảo đảm sẵn sàng xử lý ban đầu các sự cố xảy ra; duy trì phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc giám sát vận hành, điều tiết xả lũ của hồ chứa theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Cùng với công tác chủ động ứng phó với tình huống thiên tai của đơn vị quản lý, vận hành các hồ, đập trên địa bàn, UBND huyện Định Hóa cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Các kho dự trữ cũng đã chuẩn bị đầy đủ xuồng máy, thuyền tôn, thuyền nan, phao cứu sinh, áo phao, các trang thiết bị vật chất phục vụ tìm kiếm cứu nạn và thuốc chữa bệnh, lương thực cứu trợ khi tình huống xấu xảy ra… Công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng tích cực được triển khai. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện đã chuẩn bị lực lượng cứu hộ, đội cơ động sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán người và tài sản khi cần thiết.