Hiện nay, ngành Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn như thị trường đầu ra bấp bênh, đảm bảo vệ sinh thú y kém, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, ẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Chăn nuôi để phát triển bền vững là việc làm cần thiết mà tỉnh ta đang tập trung triển khai.
Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2018, giá lợn rớt thê thảm, khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị thua lỗ nặng, thậm chí phá sản. Bắt đầu từ tháng 4 trở lại đây, giá lợn hơi mới có dấu hiệu hồi phục, tạo không khí phấn khởi cho người chăn nuôi. Anh Quách Thành Chinh, ở xóm Bầu 2, xã Phấn Mễ (Phú Lương) chia sẻ: Nhà tôi thường nuôi 100 con lợn bột/lứa, năm ngoái giá lợn giảm sâu cũng khiến nhà tôi bị thua lỗ. Năm nay, tôi đã cắt giảm đàn xuống chỉ còn 50 con/lứa. Với mức giá lợn hơi hiện nay trung bình từ 48.000-50.000 đồng/kg là người nuôi có lãi lớn nhưng chúng tôi cũng chưa có lợn để bán. Nếu như trước đây giá thấp thương lái chê đủ đường và rất khó bán thì nay giá lên, ngày nào cũng có người đến hỏi mua, tầm 50kg/con trở lên là họ đã đặt mua. Chúng tôi mong sao giá lợn giữ được ổn định như hiện nay để bà con gỡ gạc lại chút vốn.
Còn anh Nguyễn Văn My, chủ hộ chăn nuôi gà ở xóm Đồng Bầu, xã Tân Khánh (Phú Bình) thì cho biết: Với diện tích chuồng trại hơn 200m2, nhà tôi đầu tư nuôi gần 2.000 con gà ri lai. Được cán bộ thú y tuyên truyền, gia đình tôi đã xây dựng hệ thống chuồng kín, kiểm soát được nhiệt độ trong chuồng nuôi, lắp đặt máng ăn uống tự động, xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học để đàn gà khỏe mạnh, nhanh lớn, bảo đảm nâng cao chất lượng chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp thu mua chế biến nên giá sản phẩm chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên chúng tôi hay bị ép giá, rất bấp bênh.
Trăn trở của anh Chinh, anh My cũng là nỗi niềm nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bởi, hiện nay, đa số các hộ chăn nuôi chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, nuôi tự phát theo phong trào, chưa có liên kết đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, chọn lọc con giống tốt... nhằm nâng cao chất lượng chăn nuôi. Tuy nhiên, việc liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn yếu, mới chỉ xuất hiện ở một vài trang trại lớn, còn đa phần do người dân tự lo đầu ra. Trong khi đó, tỉnh ta có nhiều lợi thế về tiêu thụ đầu ra sản phẩm chăn nuôi như: tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội; có nhiều các nhà máy, xí nghiệp, trường học đóng trên địa bàn, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, tại sản phẩm chăn nuôi của người dân lại chưa vào được bếp ăn của các nhà máy, khu công nghiệp.
Ngoài ra, các chính sác hỗ trợ phát triển ngành Chăn nuôi mới chủ yếu hướng tới sản xuất mà chưa chú trọng phát triển tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Khi thấy giá lợn lên cao, bà con tái đàn, tăng đàn ồ ạt theo phong trào, chưa có định hướng thị trường đã khiến cung vượt cầu và là nguyên nhân giá lợn hơi giảm mạnh từ cuối năm 2016 đến quý I-2018. Chăn nuôi thua lỗ trong thời gian dài đã khiến nhiều hộ giảm đàn. Cụ thể, tính đến thời điểm tháng 6 năm nay, quy mô đàn lợn toàn tỉnh có gần 630.000 con, giảm 1,1% so với cùng kỳ; trong đó, đàn lợn thịt là trên 496.000 con, giảm 1,2% (tương ứng giảm 6.000 con) và đàn lợn nái là trên 131.000 con, giảm 0,7% (tương ứng giảm 1.000 con) so với thời điểm cùng kỳ năm 2017.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT: Thực hiện tái cơ cấu ngành Chăn nuôi giai đoạn 2017-2020, tỉnh ta sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, công nghệ thông tin và tự động hóa. Từ đó, từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật, công nghệ phù hợp, tăng cường áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi an toàn, chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Mục tiêu đặt ra là phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đến năm 2020 đàn lợn ngoại, lai năng suất, chất lượng đạt 70% tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 60% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 80% tổng đàn. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ, chế biến công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nền tảng để hình thành liên kết chuỗi và xuất khẩu sản phẩm. Xây dựng mô hình liên kết chuỗi tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm của tỉnh như các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công và T.P Thái Nguyên. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, chú trọng sản xuất theo chuỗi để chủ động đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% số trang trại chăn nuôi tập trung có sản xuất liên kết chuỗi và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường tại các cơ sở giết mổ nhằm cung cấp thực phẩm thịt gia súc, gia cầm an toàn cho thị trường và phục vụ phương án kết nối cung cấp thực phẩm an toàn cho các bếp ăn tập thể (trường học, công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh). Ngoài ra, trong Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức vào ngày 1-7 vừa qua, tỉnh cũng đã công bố những chính sách ưu đãi, khuyến khích và tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp gắn liền với chế biến, bảo quản phục vụ xuất khẩu. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững.