Mỗi năm, các trang trại, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh chung cấp ra thị trường khoảng 130 đến 140 nghìn tấn thịt hơi các loại (năm 2017, cung cấp 141 nghìn tấn). Tuy nhiên, toàn bộ số thịt này vẫn chỉ được tiêu thụ nội địa chứ chưa được xuất khẩu ra nước ngoài nên hiệu quả kinh tế thu được không cao mong muốn.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, căn cứ vào mức tiêu thụ bình quân thịt hơi chung của người Việt Nam (50 kg/người/ năm), thì với dân số trên 1,2 triệu người, mỗi năm, nhu cầu sử dụng thịt hơi bình quân của người dân trong tỉnh chiếm khoảng 60.000 tấn các loại (đạt khoảng 45 đến 50% số thịt sản xuất ra). Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Toàn bộ số thịt tiêu thụ nội tỉnh được bán tại hệ thống chợ hoặc các điểm kinh doanh nhỏ lẻ trong tỉnh, chứ chưa được bày bán tại các siêu thị.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, đúng như chia sẻ của ông Vinh, người dân không mặn mà mua thịt trong các siêu thị. Chị Hà Thị Thanh, một người dân ở tổ 9, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nói: Mua thịt ở chợ hoặc các tụ điểm kinh doanh là thói quen đã “ăn sâu, bén rễ” trong tư duy của người dân. Hơn nữa, mua thịt tại các chợ, các điểm kinh doanh thuận tiên hơn, không phải gửi xe, xếp hàng chờ thanh toán... như mua ở các siêu thị.
Ngoài tiêu thụ nội tỉnh, các trang trại và hộ chăn nuôi của tỉnh cũng đã cung cấp thịt gia súc, gia cầm ra ngoài tỉnh. Theo đó, số thịt xuất ra ngoài tỉnh như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hưng Yên, Hà Nội... chiếm khoảng 50 đến 55%, tùy theo từng năm.
Một thực tế là việc tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm dù là nội hay ngoại tỉnh đều phụ thuộc rất nhiều vào các thương lái nên giá cả không ổn định, thường bị tư thương ép giá. Hiện nay, ngoài những tư thương đi gom thịt gia súc, gia cầm hơi về giết mổ, chế biến rồi cung cấp cho các hộ kinh doanh bán tại các chợ, điểm kinh doanh nhỏ lẻ trong tỉnh thì có khoảng 56 hộ tham gia buôn bán, vận chuyển sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh, trong đó phần lớn là hộ buôn bán và vận chuyển lợn và gia cầm. Với hình thức tiêu thụ này, người chăn nuôi không chủ động được đầu ra nên hiệu quả kinh tế thu được không cao như mong muốn. Bà Lâm Thị Bình, một hộ chăn nuôi quy mô từ 10 đến 20 con lợn/lứa ở xóm 7, xã Bình Thuận (Đại Từ) cho hay: Tiêu thụ thịt lợn hơi lúc thuận lợi, lúc khó khăn nên nhiều lứa, gia đình tôi chỉ xác định lấy công làm lãi. Nhất là trong năm 2017, gia đình tôi chỉ nuôi cầm chừng mỗi lứa dưới 10 con vì giá lợn hơi quá thấp.
Chăn nuôi là một ngành mang lại nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, làm thế nào để sản phẩm thịt động vật tiêu thụ ổn định, từ đó giúp cho ngành Chăn nuôi phát triển bền vững là một mục tiêu mà tỉnh ta luôn hướng tới trong những năm qua. Theo ông Lê Đắc Vinh, để việc tiêu thụ thịt động vật ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục duy trì hình thức tiêu thụ tại các chợ, điểm kinh nhỏ lẻ, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người bán và người mua để sản phẩm thịt động vật đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh xây dựng mạng lưới cung cấp thịt gia súc, gia cầm cho các tỉnh bạn. Với lợi thế là tỉnh có mối liên hệ chặt chẽ với vùng tam giác kinh tế phát triển mạnh gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; trong tương lai, nhu cầu nhập các sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh lân cận sẽ tương đối lớn, đặc biệt là thị trường Hà Nội nên đây chính là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên giao lưu kinh tế và xuất bán các mặt hàng nông nghiệp nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng.
Bên cạnh việc tiêu thụ đội địa, tỉnh ta sẽ hướng tới xuất khẩu sản phẩm thịt động vật. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, nhu cầu nhập khẩu thịt bò của Trung Quốc (là quốc gia có vùng biên giới rất gần với Thái Nguyên) đến năm 2025-2026 tăng thêm 60.000 tấn (lên 1,25 triệu tấn) và nhu cầu nhập khẩu thịt lợn tăng gấp đôi hiện tại (lên 2,37 triệu tấn), đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới. Đối với gia cầm, USDA cũng dự báo đến năm 2025-2026, nhu cầu nhập khẩu cũng tăng gấp đôi so với hiện tại và đạt mức 669.000 tấn. Các thị trường nhập khẩu lớn như Mexico, Nhật Bản và Saudi Arabica cũng là những thị trường tiềm năng và có sức nhập khẩu lớn trên thế giới. Khi nhu cầu nhập khẩu thịt động vật của những thị trường này tăng lên sẽ mang đến thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh giết mổ, sơ chế, chế biến động vật trên địa bàn tỉnh nói riêng. Do đó, tỉnh ta nên đẩy mạnh xúc tiến thương mại hơn nữa, tìm kiếm các đối tác giúp tiêu thụ sản phẩm thịt động vật của tỉnh một cách ổn định và bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả người chăn nuôi và người kinh doanh...