Nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

11:10, 03/07/2018

Việc có hàng nghìn hộ dân ở Võ Nhai đang sinh sống dưới chân các dãy núi đá và khe suối nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, nguồn vốn và quỹ đất công của địa phương còn hạn chế nên việc di dời bà con khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng là điều không dễ dàng. Vì vậy, mỗi khi mùa mưa đến, chính quyền và người dân nơi đây đều có chung một mối lo mất an toàn...  

Theo kết quả rà soát của cơ quan chức năng huyện Võ Nhai, trên địa huyện hiện có hơn 3.200 hộ dân sinh sống dưới chân các dãy núi đá và khu vực ven khe suối nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do sạt lở, lũ quét vào mùa mưa. Trong đó, có 7 hộ dân ở xóm Làng Giai, xã La Hiên thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Nhưng, do điều kiệu về địa hình, kinh tế của các hộ dân, nguồn vốn và quỹ đất của chính quyền địa phương còn hạn chế nên việc di dời khỏi vùng sạt lở, lũ quét để bảo đảm an toàn cho các hộ này trong mùa mưa lũ còn nhiều khó khăn.

Đồng chí Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Diện tích tự nhiên của huyện là hơn 83.000ha. Trong đó, có khoảng 90% là đồi núi, khu vực có địa hình bằng phẳng chỉ chiếm 10%, tập trung chủ yếu ở 4 xã, thị trấn nằm dọc tuyến Quốc lộ 1B. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ dân đều có điều kiện kinh tế khó khăn nên không có điều kiện để di dời nhà ở đến nơi an toàn. Vì vậy, năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm chính quyền 15 xã, thị trấn đều phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão, trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức đối với người dân được đặt lên hàng đầu....

Cầm trên tay 4 biên bản và 4 bản cam kết trong các buổi đối thoại về việc di dời nhà ở khỏi chân dãy núi đá của 7 hộ dân thuộc xóm Làng Giai, ông Trịnh Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên lo lắng: Từ năm 2015 đến nay, năm nào đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã cũng phải về tận nhà của 7 hộ dân xóm Làng Giai để vận động bà con di dời nhà cửa khỏi chân núi đá, bởi khu vực này thường xuyên bị đá từ trên núi lăn xuống gần nhà. Mặc dù 7 hộ dân trên biết là mất an toàn nhưng vẫn chưa di dời đến nơi an toàn... Do không có quỹ đất công để xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân trên, nên trong các lần tuyên truyền vận động, chính quyền địa phương đều khẳng định sẽ tạo điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở cho các hộ dân trên, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên bà con vẫn ở lại...

Có mặt tại khu vực chân dãy núi đá Làng Giai, chúng tôi thấy 7 hộ dân nói trên nằm sát với chân núi đá cao, dựng đứng. Cạnh nhà bà Nông Thị Nam có tảng đá to bằng nửa gian nhà lăn từ đỉnh núi xuống. Tảng đá lăn qua tạo thành vệt dài từ đỉnh núi đến cạnh nhà. Bà Nam cho biết: Sau cơn mưa to vào hồi đầu tháng 4 vừa qua, khi cả gia đình đang ngủ thì nghe thấy tiếng ầm ầm từ trên núi, chỉ vài giây sau đã nghe thấy tiếng đá lăn đến ngay bên trái nhà khiến ai nấy đều hoảng hốt. Sau đó, mọi người ra xem thì thấy tảng đá nằm chỉ cách nhà khoảng 5m... Những năm trước đá cũng lăn từ trên núi xuống nhưng chỉ những hòn bằng cái xô nên mắc vào bụi mai sau nhà, còn tảng đá to vừa qua thì không cây cối nào cản được. Còn ông Ma Văn Tài, nhà ở cạnh đó cho biết: Khoảng 4 năm nay, thường xuyên có tình trạng đá lăn từ trên núi đá Làng Giai xuống khu vực chúng tôi sinh sống. Năm 2016, cũng bị một hòn đá to bằng thùng phi lăn và bay qua mái nhà tôi ở. Biết là nguy hiểm và chính quyền địa phương nhiều lần đến vận động nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thể di dời được...

Ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai cho biết: Nguyên nhân của tình trạng này là do rễ cây giữ các tảng đá bị khô mục nên khi có nước mưa thì dễ đứt hoặc đá ở trên núi bị phong hóa nên khi thời tiết nắng to sau đó có mưa là tảng đá bở ra lăn xuống. Đặc thù ở Võ Nhai là người dân thường sinh sống ở chân núi đá nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất đá từ núi xuống nhà dân. Ngoài ra, tại các tuyến đường liên xã, liên huyện ở 6 xã phía Bắc cũng xảy ra tình trạng đá lăn xuống đường. Trên địa bàn cũng có nhiều ngầm tràn qua khe suối nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Vì vậy, huyện yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn phải bố trí lực lượng công an xã, dân quân làm nhiệm vụ hướng dẫn, không để người đân vượt qua khu vực này khi thời tiết mưa to, nước suối dâng cao. Về giải pháp, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ đối với những hộ dân cải tạo khu vực nhà ở, như: hạ thấp ta luy, đào hào chắn đá lăn. Tuy nhiên, số nhà ở của các hộ dân có thể áp dụng giải pháp trên rất ít.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nguy cơ sạt lở đá, một số địa phương ở Võ Nhai còn tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, bởi có hàng trăm hộ dân sinh sống ở khu vực ven sông suối, thung lũng. Ông Triệu Văn Minh ở xóm Cao Sơn, xã Vũ Chấn cho biết: Nhà ở của tôi nằm cách suối Cao Sơn khoảng 20m nên hôm nào thời tiết mưa to liên tục khoảng 2 giờ đồng hồ thì nước dâng cao tràn cả vào sân... Biết là mất an toàn nhưng gia đình khó khăn, chung quanh toàn là đồi núi dốc nên không di chuyển nhà đi nơi khác được...

Thiết nghĩ, với tập quán sinh sống của người dân và địa hình đồi núi phức tạp nên nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cao, nhất là vào mùa mưa bão. Vì vậy, chính quyền các địa phương trên địa bàn Võ Nhai cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng tránh cho người dân là điều hết sức cần thiết. Đồng thời, bố trí địa điểm, đôn đốc người dân di dời tạm thời đến nơi an toàn. Đặc biệt, người dân cũng không được chủ quan khi thời tiết có mưa to.